Trong Đạo Mẫu, Thập vị Quan Hoàng đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông và Tứ phủ Thánh Chầu, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cô và Tứ Phủ Thánh Cậu.
Gồm có:
1. Thánh ông Hoàng Cả
Ông Hoàng Cả hay còn gọi là Ông Hoàng Quận là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Ông có nhiệm vụ trông coi giữ sổ sách trên thiên đình.
Ông thường rong chơi khắp chốn bồng lai, tiên cảnh” Khi chơi Thiếu Lĩnh, lúc chơi Non Bồng”. Trên dạo chơi trên thượng giới Ông thường cưỡi con Xích Long, khi dạo chơi trên mặt nước Ông Hoàng cưỡi lốt Tam đầu Cửu vĩ. Ông thường phù hộ cho người làm ăn buôn bán hoặc kẻ học hành khoa cử.
Ông Hoàng Cả không giáng trần nên không có thần tích về các hiện thân của Ông và chính thế Ông hầu như không có đền thờ chính. Nghe nói trước đây tại Lý Nhân, Nam Hà cũng có một ngôi đền thờ Ngài nhưng đã bị phá. Hiện nay, Ông được phối thờ một ban riêng có tên là ban Quan Hoàng Quận ở đền Trung Suối Mỡ (Bắc Giang).
2. Thánh Ông Hoàng Đôi Hoàng Triệu
Về tứ phủ cho rằng Quan Hoàng Đôi là con Vua cha Bát Hải và Ông có giáng trần. Hiện thân của Ông là Tướng quân Nguyễn Hoàng. Ông theo lệnh vua cha, giáng sinh lên cõi trần gian, làm con trai thứ hai nhà họ Nguyễn, sau đó ông trở thành danh tướng, có công giúp nhà Lê trong công cuộc “Phù Lê Dẹp Mạc”. Ông đã từng đã đem quân truy đuổi họ Mạc đến tận đất Cao Bằng. Ông được vua Lê phong nhiều công trạng. Nơi đóng quân của Ông là đất Tống Sơn, Triệu Tường, Thanh Hóa.
Đền thờ chính của Ông Hoàng Đôi được lập ở nơi mà xưa kia ông đã kéo binh về đóng ở đó gọi là Đền Triệu Tường (hay còn gọi là Đền Quan Triệu) ở đất Tống Sơn, núi Triệu Tường, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, ở Chèm, Hà Nội cũng có một ngôi đền thờ Ông gọi là Đền Quan Triệu.
Thân thế của Quan Hoàng Đôi Triệu Tường:
Theo các tư liệu cổ thì Quan Hoàng Triệu chính là Nguyễn Hoàng – Thủy tổ của 9 đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua Nguyễn.
Nguyễn Hoàng là người Gia Miêu, Hà Phong, Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay. Ngài sinh năm Ất Dậu 1525, là con trai thứ hai của một công thần triều Lê là Nguyễn Kim. Sau khi, cha và anh của Nguyễn Hoàng bị đầu độc chết. Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê và trấn thủ Thuận Hóa. Từ nơi đây, Nguyễn Hoàng và các con cháu đã có công mở mang bờ cõi nước Nam từ Quảng Bình đến tận mũi Cà Mau và thống nhất các vùng đất Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng thuộc cai trị của Chúa Bầu và Mạc thành nước Việt Nam ngày nay.
Có thể nói Quan Hoàng Đôi là một nhân thần có thật trong lịch sử. Ngài có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sự mở mang bờ cõi nhất là xâm lược thôn tính các nước như Chiêm Thành, phần lớn nước Chân Lạp (đất của Campuchia ngày nay) không thể được nhà nước ta suy tôn vì lý do nhạy cảm với quốc tế, Vì vậy, lịch sử công khai ít nhắc đến công lao to lớn này của Ngài.
Ngài là một thánh quan vô cùng linh thiêng không kém Quan Hoàng Bảy hay Quan Hoàng Mười. Đặc biệt, đến đền Ngài cầu danh, cầu lộc, cầu thi cử rất linh nghiệm. Đây là điều còn ít người biết đến.
Quan Hoàng Đôi có 2 đền chính tại: Đền Quan Hoàng Triệu tại Thanh Hóa (Gắn với nơi sinh và nơi được vua Lê phong đất), Đền Hoàng tại Chèm – Hà Nội (gắn với nơi đóng quân của Ngài khi ra bắc giúp vua Lê diệt nhà Mạc.
Ngoài ra, Ngài còn được phối thờ tại Ban Tứ Phủ Thánh Hoàng tại một số đền phủ khác.
3. Thánh ông Hoàng Bơ ( Quan Hoàng Ba)
Hiện có 3 đền thờ Ngài là Đền Quan Hoàng Ba tại Hàn Sơn, Thanh Hóa; Đền Hưng Long tại Thái Bình; Đền Vạn Ngang ở Đồ Sơn. Quan Hoàng Bơ cũng có nhiều dị bản về thần tích.
+ Thần tích về Quan Hoàng Bơ liên quan đến đền Quan Hoàng Ba – Phong Mục.
Ông là con trai thứ ba hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, con trai vua Long Vương Bát Hải Động Đình. Ông Hoàng Bơ thường ngự dưới tòa Thoải Cung, coi giữ việc trong Đền Vàng Thủy Phủ. Có khi ông biến trên mặt nước, hiện lên chân dung một vị Hoàng Tử có diện mạo phi phương, cưỡi cá chép vàng. Đôi lúc ông biến hiện, ngồi trên con thuyền, rong chơi khắp chốn, cùng các bạn tiên uống rượu, ngâm thơ, đàn hát, trông trăng, đánh cờ, hưởng thú vui của các bậc tao nhân mặc khách. Có điển tích nói rằng, Ông Bơ cũng là người em trai thân cận bên Quan Lớn Đệ Tam, khi thanh nhàn các ông thường ngự thuyền rồng, cùng dạo chơi khắp chốn, nhưng thấy cảnh dân chúng còn lầm than, vua cha sai ông lên khâm sai cõi trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân, độ cho kẻ buôn bán làm ăn, người học hành đỗ đạt.
+ Thần tích Ông Hoàng Bơ Phủ liên quan đến đền Hưng Long – Thái Bình
Thần tích kể rằng: Làng Kênh Xuyên thủa xưa có hai vợ chồng lão ông Trần Thái Công và lão bà Đặng Thị hiền lành nhân đức đã luống tuổi mà chưa có con một đêm nằm mơ thấy một thánh nữ vô cùng xinh đẹp, uy nghi mặc áo trắng, đai ngọc lưu ly bế một bé trai kháu khỉnh ngự trồng vàng bay lên từ mặt nước. Thánh nữ xưng:
– Ta là con gái Động đình Long Vương, Thủy Tinh Ngọc Dung Xích Lân Long Nữ Công Chúa thấy vợ chồng ngươi siêng năng làm phúc, chăm sóc đèn hương, nên cho Hoàng tử Long cung đầu thai làm con để lo báo hiếu, sau này sẽ cứu giúp dân lành nhiều phen.
Sau đó, bà mang thai và hạ sinh một bé trai khôi ngô, tuấn tú. Bé trai sau này lớn lên chỉ mộ về đạo Phật không màng chuyện hôn nhân phu phụ. Năm hăm hai tuổi Minh Đức lập một thảo am để hàng ngày nghiên cứu Phật Pháp. Sau khi Thái ông, Thái bà về tiên, thì Minh Đức cũng đi đâu không rõ. Thảo am trở nên nhang lạnh khói tàn, bỗng một đêm dân làng ai ai cũng đều mơ thấy có một vị hoàng tử khôi ngô tuấn tú đầu đội kim khôi, mình mặc áo trắng lưng giắt kiếm bạc, cưỡi trên đôi bạch xà hiện lên trên mặt biển nói rằng:
– Ta là hoàng tử long cung, giáng sinh vào để tác phúc cho Thái ông, Thái bà nay hết hạn ta về thủy cung. Dân làng thời phải nên thờ phụng Thánh Mẫu Thủy Tinh cho nghiêm cẩn như xưa khi có nạn ắt ta đến cứu. Về sau sẽ âm phù cho đất đai rộng mãi.
Sáng dậy ai cũng thuật lại cho nhau giấc mơ y hệt, bèn cung kính sợ hãi mà cho rằng thảo am rất linh thiêng nên lập thêm long ngai bài vị Minh Đức Hoàng Bơ Thoải đại vương để phụng thờ, hương hỏa ngày đêm không dứt. Từ đó thảo am trở thành một ngôi đền thờ và Ngài trở thành Thành Hoàng của làng. Đức Thành Hoàng sau này được triều Nguyễn sắc phong nhiều mỹ tự ” Đông Hải Minh Đức Đại Vương thượng đẳng thần.
+ Thần tích Quan Hoàng Bơ ở Đền Vạn Ngang Đồ Sơn
Vào năm niên hiệu Hoằng Định thứ 6 vào đêm ngày mồng 6 rạng ngày mồng 7 tháng 3 các bậc nho sinh bình văn đọc thơ bổng xuất hiện một vị nho sinh mặt mày khôi ngô tuấn tú mặc sắc phục trắng xưng danh là Đệ Tam Thái Tử cùng bình văn đọc thơ. Rạng ngày hôm sau thì không thấy vị nho sinh đâu nữa. Vì thế, người đời sau cứ mỗi độ xuân về lại tổ chức các cuộc bình văn đọc thơ để mong các bậc thần tiên giáng phàm. Cũng vì vậy, Đền Vạn Ngang Đồ Sơn đã lập thờ Quan Đệ Tam Thái tử tức Quan Hoàng Bơ là quan thủ đền.
+ Thần tích ông Hoàng Bơ Thoải liên quan đến đền Cờn ngoài:
Ngài hạ sinh vào thời Nam Bắc Tống phân tranh. Ngài tên là Tống Khắc Bính, là thái tử con vua Nam Tống Sau khi nhà Nam Tống bị nhà Bắc Tống đánh bại, Ngài dong thuyền ra biển Đông và thác hóa. Thân y trôi vào cửa Cờn được ông Hoàng Chín lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất. Sau này Ngài phù các triều Lý, Trần lập nhiều chiến công hiển hách nên được nhân dân gọi là ông Hoàng Bơ Thoải.
Bình luận thêm của người viết:
– Trong các thần tích về Quan Hoàng Bơ ở trên chúng ta thấy: Đền Quan Hoàng Ba tại Hàn Sơn, nghe đâu mới xây dựng gần đây. Tuy đền có lưu truyền một thần tích, nhưng không có nhắc đến ngài xuất thân nơi đâu. Đền Hưng Công ở Thái Bình, tuy có thần tích khá rõ ràng về nơi giáng trần, nhưng Ngài lại được thờ như một Thành Hoàng làng. Riêng tại Đền Vạn Ngang có thần tích về sự hiển linh của Ngài.
– Đền Vạn Ngang và Đền Hưng Công có sắc phong của triều đình phong kiến, còn đền Quan Hoàng Ba tại Hàn Sơn không có sắc phong nào. Trên cơ sở trên có thể nói đền Vạn Ngang và đền Hưng Công được coi là đền chính với hai thần tích khác nhau. Nhưng nhiều người cho rằng đền Vạn Ngang – Đồ Sơn mới là đền chính vì nơi đây Ngài đã hiển linh giáng trần.
Đền Cờn Ngoài, trước đây nhiều người cho rằng đây là nơi thờ của Quan Hoàng Bơ. Tuy nhiên, gần đây, Đền Cờn Ngoài đã được Trung tâm Nghiên cứu Tiềm Năng Con người xác định là nơi thờ Quan Hoàng Chín chứ không phải là thờ Quan Hoàng Bơ. Vì vậy, thần tích Quan Hoàng Bơ là Tống Đế Bính – vua Nam Tống cần phải xem xét.
4. Thánh ông Hoàng Tư
Quan Hoàng Tư là con của Đức Vua Cha Động Đình. Trong Tứ Phủ ngài cai quản thủy cung. Ngài không giáng trần nên không có đền thờ. Do không giáng trần nên không có thần tích về Ngài. Tuy nhiên, có người cho rằng Ngài có giáng trần, hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Nguyễn Hữu Cầu.
Tướng quân Nguyễn Hữu Cầu là ai?
Tướng quân Nguyễn Hữu Cầu sinh tại Lôi Động, Thanh Hà, Hải Dương trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài từ bé nổi tiếng hiếu học và học rất giỏi. Sau khi lớn lên ông bất bình với triều đình Vua Lê Chúa Trịnh để dân chúng lâm vào cảnh lầm than. Ngài đã tập hợp quân sĩ khởi nghĩa cướp của quan tham, ác bá chia cho dân nghèo. Cuộc khởi nghĩa được lòng dân, nên chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng nghĩa quân rất mạnh đánh đâu, thắng đó. Nhiều tướng giỏi của triều đình đã bị Nguyễn Hữu Cầu chém chết. Cuối cùng, triều đình phải cử Tướng Quân Phạm Đình Trọng, bạn học của của Nguyễn Hữu Cầu đem quân chinh phạt. Do Phạm Đình Trọng quá hiểu Nguyễn Hữu Cầu ngay từ thời nhỏ nên mới đánh bại được Nguyễn Hữu Cầu.
Nguyễn Hữu Cầu nổi danh là một tướng tài ba, dũng cảm, gan dạ, giỏi võ nghệ, có tài thu phục nhân tâm. Có lần ngài bị vây và chỉ còn vài chục người sống sót phá vây chạy thoát. Nhưng chỉ một thời gian ngắn số quân của ngài lại lên hàng vạn.
Khởi nghĩa sau này bị dập tắt. Năm 1751, ngài bị triều đình giết, thân xác của ngài trôi dạt vào bãi Trà Cổ. Nhân dân tôn xưng ngài là Thủ Thần Đông Bắc Bộ. Ngài còn được gọi là Quận He bởi ngài bơi lội còn hơn cả cá he ngoài biển đông.
Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng hình ảnh một tướng quân uy nghi, chính trực hết lòng vì cuộc sống dân nghèo không bao giờ phai lạt. Tưởng nhớ và ghi ơn ông, nhân dân nhiều nơi đã lập thờ ông.
Đền thờ chính của Tướng quân Nguyễn Hữu Cầu tại thôn Cửu Điện, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
5. Thánh ông Hoàng Năm
Thánh ông Hoàng Năm không giáng trần nên không có đến thờ riêng và không có thần tích. Ngài có nhiệm vụ gì trên thiên cung cũng không ai được rõ và cũng không ai biết Ngài có thể phù hộ cho dương gian được những điều gì.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Ngài có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Hoàng Công Chất.
Tướng quân Hoàng Công Chất là ai?
Hoàng Công Chất là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thủa.
Nhiều tài liệu cho rằng Ngài không giáng trần nên không có đến thờ riêng. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng Ngài có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Hoàng Công Chất. Năm 1739, Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu (Người được coi là hiện thân của Quan Hoàng Tư) đi theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ. Sau khi quân Nguyễn Cừ bị đánh bại, Hoàng Công Chất tụ tập lực lượng riêng tiếp tục hoạt động.
Năm 1746, Hoàng Công Chất phối hợp với Nguyễn Hữu Cầu đánh Sơn Nam và Thăng Long nhưng thất bại. Cuối năm 1748, Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hoá. Năm 1750, Ông liên kết với một thủ lĩnh nghĩa quân ở Vân Nam (Trung Quốc), tiếp tục tiến đánh triều đình, nhưng cuộc tấn công thất bại. Năm 1751, Hoàng Công Chất đành rút quân lên Điện Biên để tính kế lâu dài. Ông đã cho xây dựng thành Bản Phủ làm tổng hành dinh.
Đến năm 1768, Hoàng Công Chất lâm bệnh và mất tại thành Bản Phủ. Lợi dụng việc Hoàng Công Chất mất, chúa Trịnh Sâm đã tăng cường trấn áp cuộc khởi nghĩa. Năm 1769, cuộc khởi nghĩa thất bại.
Hiện nay, thành Bản Phủ tại thành phố Điện Biên là nơi thờ chính của Hoàng Công Chất.
6. Thánh ông Hoàng Sáu
Cũng như Quan Hoàng Tư, Quan Hoàng Năm, Quan Hoàng Tám thì Quan Hoàng Sáu không giáng trần nên không có đền thờ chính và tất nhiên, Quan Hoàng Sáu không có thần tích. Tuy nhiên, cũng có người phân vân tướng quân Hoàng Lục có phải là hiện thân của Quan Hoàng Sáu hay không, bởi chữ Lục là Sáu nên làm người ta liên tưởng đến Hoàng Lục chính là Quan Hoàng Sáu.
An Biên Đại Tướng quân Hoàng Lục là ai?
Tướng quân Hoàng Lục – người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, giữ vững biên cương phía Bắc dưới triều Lý, được nhà Lý phong “An Biên tướng quân” .
Hoàng Lục sinh trưởng trong một gia đình khá giả, dân tộc Tày ở làng Lũng Đính, châu Thượng Lang. Năm 18 tuổi được cử làm thổ tù. Hoàng Lục là người khảng khái, trọng nghĩa, khinh tài luôn đem tài sản chia cho dân nghèo, mọi người trong vùng đều quý mến ông.
Năm 1053 (thời Lý Thái Tông), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất, Hoàng Lục phối hợp với Nùng Chí Cao chủ động đem quân đánh vào đất Tống, gây thiệt hại lớn cho quân Tống. Quân của Hoàng Lục và Nùng Chí Cao đi đến đâu đều được nhân dân ủng hộ. Khi rút về nước, Hoàng Lục tiếp tục chuẩn bị lương thực, lực lượng để đối phó với quân Tống.
Năm 1076 (thời Lý Anh Tông), quân Tống tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Hoàng Lục và Lưu Kỷ đã lập chiến tuyến tại Quảng Nguyên chống trả quyết liệt.
Theo lưu truyền trong dân gian thì chính khu vực đền thờ hiện nay là nơi Hoàng Lục lập trận địa để chặn bước tiến của quân xâm lược Tống.
Hoàng Lục là một tướng giỏi có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, được triều đình nhà Lý phong chức An Biên tướng quân, thống lĩnh quân mã để bảo vệ biên cương phía Bắc. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông.
Đền thờ của Hoàng Lục hiện nay tọa lạc trên ngọn đồi Đoỏng Lình (linh thiêng) thuộc làng Chi Choi, xã Đình Phong (Trùng Khánh) – Cao Bằng.
7. Thánh ông Hoàng Bảy
Tương truyền Ngài tên Ngài là Nguyễn Hoàng Bảy. Ngài được thờ chính tại đền Bảo Hà nằm ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai giáp ranh tỉnh Yên Bái, còn được gọi là đền ông Hoàng Bảy.
Đền Quan Hoàng Bảy được xây dựng dưới chân đồi Cấm, có quang cảnh thiên nhiên “trên bến dưới thuyền” đẹp đẽ. Phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy. Còn bên hữu ngạn là một hồ rộng, tạo cho nhà đền cảnh đẹp trữ tình. Ngôi đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng). Ông đã được các triều vua phong tặng mỹ tự: “Trần An Hiển Liệt” và “Thần Vệ Quốc”.
Tượng Quan Hoàng Bảy tại đền Bảo Hà
Thần tích Quan Hoàng Bảy: Theo tích này Ông bị giặc sát hại trên chiến trường.
Vào thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 1740 – 1786, khắp vùng Bảo Hà và biên cương phía bắc, giặc giã bên Trung Quốc tràn sang cướp phá, các tù trưởng cát cứ đánh phá lẫn nhau. Tạo nên một thế nguy hiểm: Thù trong, giặc ngoài. Vì vậy, Triều đình đã của một danh tướng tên là Nguyễn Hoàng Bảy lên trấn thủ biên ải. Đối với giặc ngoại xâm, Tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh đâu thắng đó, phá tan thế giặc ngoại xâm. Đối với nội bộ, Tướng Nguyễn Hoàng Bảy đã có công chiêu dụ các thổ ti, tù trưởng, thổ hào quanh vùng đoàn kết quanh ông thanh một khối đoàn kết thống nhất. Bảo Hà trở thành một căn cứ quân sự lớn bảo vệ biên ải của Tổ quốc. Trong một trận chiến không cân sức với giặc Tầu, ông đã anh dũng hy sinh. Thân xác ông trôi dạt vào đất Bảo Hà ngày nay. Nhân dân ngậm ngùi thương nhớ và đã lập đền thờ ông.
Có một tương truyền khác về Quan Hoàng Bảy: Theo tích này, ông bị triều đình sát hại.
Vùng Bảo Hà và lân cận là một vùng giặc giã, mà chưa tướng quân nào bình định nổi: Giặc Tầu thường xuyên xâm lấn bờ cõi, các thổ ti, tù trưởng đánh nhau liên miên. Trước tình hình đó, triều đình đã cử Tướng Quân Nguyễn Hoàng Bảy lên trấn ải vùng biên cương này. Với tài năng xuất chúng về thao lược của Ngài, giặc Tầu không dám vào xâm lấn, các thổ ti, tù trưởng đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Ngài. Có Tướng quân Hoàng Bảy, một vùng biên cương xưa đầy binh đao, khói lửa nay đã hết sức thanh bình. Lòng dân phấn khởi và cảm phục tài năng, đức độ của Ngài, coi ngài như một vị thánh sống. Uy danh của Ngài vang dội không chỉ ở vùng biên cương xa xôi mà còn lan tỏa khắp đất nước. Chính vì thế, trong triều đình có kẻ nghi kị với Ngài nên đã xàm tấu với triều đình: Nếu để Nguyễn Hoàng Bảy mãi ở nơi này thì e rằng có ngày hắn sẽ làm phản. Tốt nhất là trừ khử đi để trừ họa về lâu dài. Triều đình đã nghe lời xàm tấu đó, nhưng không dám ra mặt, nên cử một toán quân nhỏ giả làm giặc Tàu phục kích Ngài. Khi đó, Ngài đi tuần thú nên chỉ mang theo một nhóm nhỏ lính hầu. Bị bất ngờ phục kích, cuộc chiến chênh lệch, nên cha con Nguyễn Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Lũ quân quan triều đình sau khi giết được cha con Ngài đã vứt hai cha con xuống sông. Nhân dân đã vớt được xác cha con ông. Tưởng nhớ công ơn của hai cha Ngài, nên nhân dân đã lập đền thờ Ngài (nay là đền Quan Hoàng Bảy Bảo Hà) và thờ con gái Ngài là Nguyễn Hoàng Bà Xa (đền Cô Tân An ngày nay).
Tại sao khi lễ Ông Hoàng Bảy hay dâng trà Ô Long và thuốc phiện?
Để có thể thu phục được các thổ ti, tù trưởng thì Tướng quân Nguyễn Hoàng Bảy không chỉ dùng biện pháp quân sự mà còn bằng sự thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm ông đã chủ động hòa nhập vào cuộc sống của các tù trưởng thô ti như uống trà, đánh bạc, hút thuốc phiện…. Có lẽ vì vậy, cứ nói đến ông Hoàng Bảy là chúng ta nghĩ đến một vị quan ăn chơi bậc nhất trong các vị thánh. Tuy vậy, sự ăn chơi của ông không phải là thú vui của ông mà chính là cách ông tiếp cận với các thổ ti, tù trưởng và sau đó cảm hóa họ để tạo nên sự đoàn kết và ổn định biên cương tổ quốc.
8. Thánh ông Hoàng Tám
Quan Hoàng Tám không giáng trần nên không có đền thờ và không có thần tích. Tuy nhiên, có người cho rằng Quan Hoàng Tám có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Nùng Chí Cao.
Tướng quân Nùng Chí Cao
Nùng Chí Cao là người dân tộc Nùng là một thủ lĩnh có chí khí, khí phách vô song. Nùng Chí Cao đã nhiều lần đánh chiếm đất của nhà Tống (Trung quốc) và đất của triều đình. Nùng Chí Cao đã nhiều lần khiến vua quan nhà Lý khốn đốn và nể phục. Nhà Lý cũng đã có lần bắt được ông, nhưng rồi lại thả và phong thêm chức sắc.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nùng Trí Cao là con của Nùng Tồn Phúc – thủ lĩnh châu Thảng Do. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc chiếm châu Vũ Lặc và Quảng Nguyên, xưng “Chiêu thánh hoàng đế”, lập nước “Trường sinh”, phong vợ làm “Minh đức hoàng hậu”, phong con cả Trí Thông làm “Điền nha vương”, đồng thời sắm sửa vũ khí, xây dựng thành trì.
Năm 1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đem quân đánh Nùng Tồn Phúc, bắt Nùng Tồn Phúc và Trí Thông đem về kinh đô xử tử, Nùng Trí Cao cùng mẹ chạy đến động Lôi Hỏa, phía Tây Bắc Cao Bằng (thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc ngày nay).
Năm 1041, hai mẹ con Nùng Trí Cao từ động Lôi Hỏa về chiếm châu Thảng Do, chiêu tập lực lượng, lập nước “Đại Lịch’” Triều đình nhà Lý cử quân lên đánh, bắt Nùng Trí Cao đem về kinh đô nhưng không trị tội mà còn cho Nùng Trí Cao giữ châu Thảng Do, đồng thời cai quản thêm các động: Lôi Hỏa, Bình, An, Bà, châu Tư Lang và được phong làm châu mục Quảng Nguyên
Năm 1048, Nùng Trí Cao nổi dậy ở động Vật Ác (thuộc đất Tống); Năm 1043, vua Lý Thái Tông sai Ngụy Trưng đến châu Quảng Nguyên, phong cho Nùng Trí Cao tước “Thái Bảo”- một chức quan cao cấp thời Lý;
Năm 1050, Nùng Trí Cao chiếm động Vật Dương (thuộc đất Tống), lập nước “Nam Thiên”, đặt niên hiệu Cảnh Thụy;
Năm 1053, Địch Thanh (một viên tướng của nhà Tống) dã dẫn quân đi đánh Nùng Trí Cao, Nhà Lý sai Vũ Nhị mang quân tiếp ứng, nhưng do tình thế không cứu vãn nổi nên cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao chấm dứt. Năm 1052, sau khi dâng biểu xin cống vua Tống không được, Nùng Trí Cao đã dẫn 5000 quân tiến đánh thành Ung Châu, sau đó xưng “Nhân hậu hoàng đế” , đổi niên hiệu là “Khải Lich”, đặt quốc hiệu “Đại Nam”.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, ngoài di tích đền Kỳ Sầm, nhiều địa phương cũng có đền thờ Nùng Trí Cao như: Huyện Quảng Uyên, huyện Hà Quảng , huyện Thông Nông, huyện Bảo Lạc. Đền Kỳ Sầm là nơi thờ chính của Nùng Chí Cao. Khu đền khá rộng, khuôn viên khá đẹp. Khu nhà đền chỉ có 2 cung nhỏ tạo nên một sự tĩnh mịch, linh thiêng, huyền bí. Cung phía trước là cung công đồng thờ quan, quân của Ngài. Cung phí sau thờ Ngài và Thân Mẫu cùng 3 bà vợ. Tương truyền ba bà là người Hoa, Kinh và Nùng.
9. Thánh ông Hoàng Chín
Ngài là con đức Vua Cha, là Quan Hoàng Chín có tính yểu điệu nhất. Về đồng mặc áo dài đen, chân đi guốc, tay cầm ô, mặc kiểu ông đồ thời cổ Việt Nam. Ông về đồng giáng bút, ngâm thơ, uống rượu bằng bát. Gốc tích của ông ít được lưu truyền, tuy nhiên ông có giáng trần, với tài văn chương, thơ phú kinh luân biệt tài. Ông đăng khoa triều đình lúc tuổi vừa đôi tám. Và Ông cũng là một tướng tài được giao trọng trách thống lĩnh cửa Cờn Môn. Chính vì thế nhân dân còn gọi là Ông Hoàng Chín là Ông Cờn Môn. Sau ông còn là vị quan thanh liêm, cứu dân, giúp nước và luôn trợ người hữu duyên. Thường những đồng cựu và sát căn duyên mới bắc ghế hầu ông
10. Thánh ông Hoàng Mười
Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An. Ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh ông giáng trần để giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.
Có tài liệu cho rằng Ông là hiện thân của Tướng Quân Nguyễn Xí. Có tài liệu cho rằng Ông là hiện thân của Tướng Lê Khôi, lại có một dị bản khác cho rằng ông chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ.
Tín ngưỡng dân gian còn cho rằng, ông Hoàng Mười là hoá thân của các vị Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Duy Lặc, Nguyễn Duy Nhân và Nguyễn Xí. Đó là những nhân vật lịch sử có nhiều công trạng của xứ Nghệ.
Quan Hoàng Mười là ai?
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa thì giả thuyết ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí (xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay) có sức nặng hơn cả. Bởi xét về lịch sử ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời của Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc Khai Quốc Công thần có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Nguyễn Xí là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê gồm: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải vươn đến phú quý, hưng thịnh. Xét trên công lao đó, dân chúng chí tôn ông là Thánh Hoàng Mười là điều hiển nhiên và dễ hiểu hơn.
Về thần tích Quan Hoàng Mười với hiện thân là tướng Lê Khôi và tướng Nguyễn Xí lại khá giống nhau.
Thần tích Quan Hoàng Mười với hiện thân là tướng Nguyễn Xí:
Theo thần tích này, Ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông. Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông về trời.
Thần tích Quan Hoàng Mười với hiện thân của Tướng Lê Khôi:
Đây là thần tích được lưu truyền tại Đền Củi: Lê Khôi là một tướng quân rất giỏi của Lê Lợi. Lê Khôi là cháu gọi Lê Lợi bằng chú. Chuyện kể rằng khi ông đánh thắng giặc trở về thì một trận cuồng phong ập vào làm nhiều nhà dân vị đổ nát. Thương dân ông lại cùng binh sỹ lên ngàn chặt tre, gỗ đưa về giúp dân làm nhà. Một lần không may khi bè xuôi sông Lam về đến chân Hồng Lĩnh ở núi Ngũ Mã thì cuồng phong lại ập đến làm vỡ bè, ông gặp nạn. Quân sỹ và dân làng chưa kịp mai táng cho ông thì mối đã đùn đất lên thi hài ông thành mộ. Cảm phục và biết ơn ông, người dân đã lập đền thờ. Ông rất linh thiêng và thường hiển thánh cứu giúp muôn dân.
Đền thờ chính của Ông Hoàng Mười:
Hiện có thể coi Ông có hai đền thờ chính là Đền Chợ Củi bên đất Hà Tĩnh và đền Hưng Nguyên bên đất Nghệ An.
Theo Trái tim Việt Nam Online thì Đền Củi trước đây là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Sau này sau khi tướng Lê Khôi mất, Ông Hoàng Mười mới được phối thờ vào đền:
” Trên mặt Tiền ở nhà hạ điện dài 9m, rộng 0,6m của ngôi đền có 4 chữ hán to: “Thánh mẫu linh từ”. Nghiên cứu các tài liệu thành văn và khảo sát thực địa, có thể khẳng định vị thần được thờ chính trong đền Củi là thánh mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay chưa tìm được niên đại ra đời của đền Củi. Khi Lê Khôi đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này nhưng quy mô còn rất nhỏ và lợp tranh. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo đền mới được lợp ngói. Diện mạo ngôi đền Củi ngày nay, có phong cách kiến trúc đậm đà dấu ấn thời Nguyễn.
Để nhớ công ơn ông Lê Khôi, người đưa lại cuộc sống ấm no cho mình nên sau khi ông mất (1446), nhân dân lập bài vị ông đưa vào phối thờ ở đền. Trong đền Củi còn thờ cả Hưng Đạo đại Vương, nhân dân tôn kính gọi là Đức Thánh Trần”.
Đền Hưng Nguyên hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ nằm ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha. Nhưng sau này trải qua thời gian và chiến tranh, ngôi đền đã trở thành phế tích và hầu như không còn gì. Dân gian quanh vùng còn kể rằng năm 1986. Do mưa lũ do đền bên Mỏ Hạc bị hư hại nặng nên đã gửi đồ tế tự của Ông Mười sang đền Củi. Đến năm 1995, nhà nước mới bắt đầu cho xây dựng lại ngôi đền từ nền đất cũ.
Nhân vật chính được thờ tại đền Hưng Nguyên là Thái uý Vị Quốc công Lê Khôi; Phúc Quận công; Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.
Điều rất quan trọng và đáng suy ngẫm là đền Ông Hoàng Mười Hưng Nguyên mới là đền lưu giữ đến 21 đạo sắc phong về Quan Hoàng Mười.
Như vậy, theo các sắc phong của các triều đại phong kiến thì đền Hưng Nguyên mới là đền chính của Ngài, còn theo tâm thức của người đời thì đền Củi là đền chính của Ngài. Các đạo sắc phong thần được họ Nguyễn làng Xuân Am cất giữ. Có thể do trong số bốn vị thần được thờ ở đây có Ngài Nguyễn Duy Lạc. Ngài Nguyễn Duy Lạc cũng là một tướng tài của Lê Lợi