“Thực tiễn” một cụm từ mang ý nghĩa trừu tượng và hầu như được ít người hiểu hết về khái niệm này. Hiện nay, việc áp dụng những yếu tố hay một vấn đề nào đó vào thực tiễn khá dễ dàng, Tuy nhiên, để vận dụng tốt vào thực tiễn cần phải cân nhắc và lựa chọn thật kỹ để không đem lại hậu quả xấu cho bản thân cũng như người khác. Vậy, thực tiễn là gì và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức liên hệ bản thân.
Contents
1. Thực tiễn là gì?
Khái niệm về thực tiễn hiện nay được khá nhiều bài viết giải thích theo nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, hiểu theo cách nào thì thực tiễn được tác giả tổng hợp như sau:
Thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất có mục đích mang tính lịch sử – xã hội của con người nhằm cải biến thế giới khách quan.
– Thực tiễn là hoạt động vật chất. Tất cả những hoạt động bên ngoài hoạt động tinh thần của con người đều là hoạt động thực tiễn.
– Là hoạt động có mục đích. Khác hoạt đông bản năng của động vật.
– Có tính lịch sử – xã hội: Là hoạt động của con người trong xã hội và trong những giai đoạn lịch sử nhất định.
Thực tiễn tiếng Anh là Practice
2. Đặc điểm cơ bản của hoạt động thực tiễn:
– Thực tiễn là hoạt động có mục đích của con người:
+ Hoạt động thực tiễn là hoạt động bản chất của con người. Nói vậy tức là chỉ có con người mới có hoạt động thực tiễn.
Con vật không có hoạt động thực tiễn. Chúng chỉ hoạt động theo bản năng nhằm thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài.
Ngược lại, con người hoạt động có mục đích rõ ràng nhằm cải tạo thế giới để thỏa mãn nhu cầu của mình, thích nghi một cách chủ động, tích cực với thế giới và làm chủ thế giới.
+ Con người không thể thỏa mãn với những gì có sẵn trong tự nhiên. Con người phải tiến hành lao động sản xuất ra của cải vật chất để nuôi sống mình. Để lao động hiệu quả, con người phải chế tạo và sử dụng công cụ lao động.
Như thế, bằng hoạt động thực tiễn, trước hết là lao động sản xuất, con người tạo ra những vật phẩm vốn không có sẵn trong tự nhiên. Không có hoạt động thực tiễn, con người và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển được.
Do đó, có thể phát biểu rằng, thực tiễn là phương thức tồn tại cơ bản của con người và xã hội, là phương thức đầu tiên và chủ yếu của mối quan hệ giữa con người và thế giới.
– Thực tiễn là hoạt động mang tính lịch sử – xã hội:
Thực tiễn luôn là dạng hoạt động cơ bản và phổ biến của xã hội loài người mặc dù trình độ và các hình thức hoạt động thực tiễn có những thay đổi qua các giai đoạn lịch sử. Hoạt động đó chỉ có thể được tiến hành trong các quan hệ xã hội.
Thực tiễn có quá trình vận động và phát triển của nó. Trình độ phát triển của thực tiễn nói lên trình độ chinh phục tự nhiên và làm chủ xã hội của con người.
Như vậy, về mặt nội dung cũng như về phương thức thực hiện, thực tiễn có tính lịch sử – xã hội.
3. Phân loại hoạt động thực tiễn:
Hoạt động thực tiễn gồm những dạng cơ bản sau:
Thứ nhất, hoạt động sản xuất vật chất:
Ví dụ về hoạt động sản xuất vật chất ta có thể thấy ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, như trồng lúa, trồng khoai, dệt vải, sản xuất giày dép, ô tô, xe máy… Đây là dạng hoạt động thực tiễn nguyên thủy nhất và cơ bản nhất vì:
– Hoạt động sản xuất vật chất quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.
– Đồng thời, dạng hoạt động này quyết định các dạng khác của hoạt động thực tiễn, là cơ sở của tất cả các hình thức khác của hoạt động sống của con người, giúp con người thoát khỏi giới hạn tồn tại của động vật.
Thứ hai, hoạt động chính trị – xã hội:
Là hoạt động của các cộng đồng người, các tổ chức khác nhau trong xã hội nhằm cải biến những quan hệ chính trị-xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển.
Ví dụ về hoạt động chính trị – xã hội là:
+ Đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội.
+ Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
+ Thanh niên tham gia tình nguyện giúp đồng bào vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, hoạt động thực nghiệm khoa học
Dạng hoạt động này ra đời cùng với sự xuất hiện của các ngành khoa học. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay (cách mạng 4.0), hoạt động thực nghiệm khoa học ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Khoa học là một hình thức đặc biệt của thực tiễn, được tiến hành trong những điều kiện do con người tạo ra, gần giống, giống hoặc lặp lại những trạng thái của tự nhiên và xã hội nhằm xác định những quy luật biến đổi, phát triển của đối tượng nghiên cứu. Dạng hoạt động này có vai trò trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
4. Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức liên hệ bản thân:
Thực tiễn và nhận thức không ngừng phát triển trong sự tác động lẫn nhau, trong đó thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, nguồn gốc, động lực, mục đích của nhận thức và là cơ sở của chân lý.
Thứ nhất, thực tiễn là cơ sở, nguồn gốc (điểm xuất phát), động lực của nhận thức
Thông qua hoạt động thực tiễn, con người nhận biết được cấu trúc, tính chất và các mối quan hệ giữa các đối tượng để hình thành tri thức về đối tượng. Hoạt động thực tiễn bổ sung và điều chỉnh những tri thức đã được khái quát. Thực tiễn đề ra nhu cầu, nhiệm vụ, cách thức và khuya hường vận động và phát triển của nhận thức. Chính nhu cầu giải thích, nhận thức và cải tạo thế giới buộc con người tác động trực tiếp vào đối tượng bằng hoạt động thực tiễn của mình.
– Con người muốn tồn tại thì phải lao động sản xuất để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho con người, muốn lao động sản xuất con người phải tìm hiểu thế giới xung quanh. Vậy, hoạt động thực tiễn tạo ra động lực đầu tiên để con người nhận thức thế giới.
– Trong hoạt động thực tiễn , con người dùng các song cụ, các phương tiện để tác động vào thế giới, làm thế giới bộc lộ những đặc điểm, thuộc tính, kết cấu, quy luật vận động; con người nắm bắt lấy các đặc điểm thuộc tính đó, dần dần hình thành tri thức về thế giới.
– Trong hoạt động thực tiễn, con người dần tự hoàn thiện bản thân mình, các giác quan của con người ngày càng phát triển. do đó, làm tăng khả năng nhận thức của con người về thế giới.
– Trong bản thân nhận thức có động lực trí tuệ. Nhưng suy cho cùng thì đông lực cơ bản của nhận thức là thực tiễn. Trong hoạt động thực tiễn con người đã vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn và thất bại. Điều đó buộc con người phải giải đáp những câu hỏi do thực tiễn đặt ra. Ănghen nói: Chính thực tiễn đã “đặt hàng” cho các nhà khoa học phải giải đáp những bế tắc của thực tiễn (ngày càng nhiều ngành khoa học mới ra đời để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như khoa học vật liệu mới, khoa học đại dương, khoa học vũ trụ…)
– Trong hoạt động thực tiễn, con người chế tạo ra các công cụ, phương tiện có tác dụng nối dài các giác quan, nhờ vậy làm tăng khả năng nhận thức của con người về thế giới.
Thứ hai, thực tiễn là mục đích của nhận thức:
Mục đích cuối cùng của nhận thức là giúp con người hoạt động thực tiễn nhằm cải biến thế giới. Nhấn mạnh vai trò này của thực tiễn Lenin đã cho rằng: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”.
Mục đích của mọi nhận thức không phải vì bản thân nhận thức, mà vì thực tiễn nhằm cải biến giới tự nhiên, biến đổi xã hội vì nhu cầu của con người. Mọi lý luận khoa học chỉ có ý nghĩa khi nó được ứng dụng vào thực tiễn.
Thứ ba, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý: Làm sao để nhận biết được nhận thức của con người đúng hay sai? Tiêu chuẩn để đánh giá cuối cùng không nằm trong lý luận, trong nhận thức mà ở thực tiễn. Khi nhận thức được xác nhận là đúng, nhận thức đó sẽ trở thành chân lý.
Tuy nhiên cũng có trường hợp không nhất thiết phải qua thực tiễn trải nghiệm mới biết nhận thức đó là đúng hay sai, mà có thể thông qua quy tắc logic vẫn có thể biết được nhận thức đó là thế nào. Nhưng xét đến cùng thì những nguyên tắc đó cũng đã được chứng minh từ trong thực tiễn.
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý vừa có tính tuyệt đối lại vừa có tính tương đối:
Tuyệt đối là ở chỗ: Thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan để kiểm nghiệm chân lý, thực tiễn có khả năng xác định cái đúng, bác bỏ cái sai.
Là tương đối ở chỗ: Thực tiễn ngay một lúc không thể khẳng định được cái đúng, bác bỏ cái sai một cách tức thì. Hơn nữa, bản thân thực tiễn không đứng yên một chỗ mà biến đổi và phát triển liên tục, nên nó không cho phép người ta hiểu biết bất kỳ một cái gì hóa thành chân lý vĩnh viễn.
5. Mối quan hệ giữa ba hình thức của thực tiễn:
Các hình thức của thực tiễn có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau, cụ thể:
– Hoạt động sản xuất vật chất là loại hoạt động có vai trò quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định đối với các hoạt động thực tiễn KHÁC. Không có hoạt động sản xuất vật chất thì không thể có các hình thức thực tiễn khác. Các hình thức thực tiễn khác, suy đến cùng cũng xuất phát từ thực tiễn sản xuất vật chất và nhằm phục vụ thực tiễn sản xuất vật chất.
– Ngược lại, hoạt động chính trị – xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học có tác dụng kìm hãm hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất vật chất phát triển.
Chính sự tác động qua lại lẫn nhau của các hình thức hoạt động cơ bản đó làm cho hoạt động thực tiễn vận động, phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng đối với hoạt động nhận thức.
Trong 3 hình thức (hoạt động) trên, hoạt động sản xuất vật chất có vai trò quan trọng nhất, là cơ sở cho các hoạt động khác của con người và cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người.