Vị thế xã hội có nghĩa là địa vị của xã hội khi đó các cá nhân sẽ có quyền lợi cũng như trách nhiệm đi kèm, mỗi người trong xã hội đều có những địa vị xã hội nên xã hội thay đổi thì vị thế cũng sẽ thay đổi. Vậy Khái niệm xã hội là gì? Vị thế xã hội là gì ? Vai trò xã hội là gì?
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Khái niệm xã hội là gì?
Con người sống trong xã hội nhưng liệu đã ai hiểu rõ về xã hội hay chưa, xã hội thực chất chính là một thực thể tồn tại quanh ta, chứa đựng từng cá nhân trong xã hội, những mối quan hệ xã hội, những vấn đề xoay quanh, tác động trong đời sống của con người.
Sự tồn tại của xã hội chính là nơi giúp con người gắn kết và xã hội gắn liền với sự ra đời của loài người, tiến hóa qua nhiều các cấp bậc khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Ví dụ như xã hội cộng sản nguyên thủy, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa, xã hội cộng sản chủ nghĩa,…
Xã hội với từng khu vực khác nhau trên thế giới có tiến trình phát triển khác nhau, nhưng nhìn chung đến thời điểm hiện tại, tất cả đều đang hướng tới một xã hội văn minh, dân chủ, vì lợi ích của con người.
Xã hội và con người là hai mối tương quan, quan hệ mật thiết với nhau, có con người mới có xã hội, xã hội tồn tại và phát triển theo sự tồn tại và phát triển của loài người.
2. Vị thế xã hội là gì?
Có thể hiểu đơn giản vị trí xã hội là sự định vị của một cá nhân trong một đơn vị, tổ chức nào đó. Ví dụ như trong tổ chức A bạn là giám đốc hay là nhân viên. Khái niệm vị trí xã hội cũng chỉ mang nghĩa tương đối.
Còn vị thế xã hội có nghĩa là địa vị xã hội. Khi đó cá nhân sẽ có những trách nhiệm và quyền lợi gắn kèm. Mỗi người sinh ra sẽ có những vị trí xã hội khác nhau nên sẽ có những vị thế khác nhau. Nếu vị trí xã hội thay đổi điều đó sẽ khiến vị thế thay đổi.
Địa vị xã hội không bao giờ đứng độc lập mà luôn nằm trong mối quan hệ với các địa vị khác trong xã hội. Khi đó vị thế xã hội sẽ thể hiện được đúng ý nghĩa vốn có của mình. Ví dụ như người phụ nữ được gọi là mẹ khi mang thai đứa con của mình.
Mỗi vị thế xã hội đều có những quyền lợi và nghĩa vụ gắn kèm nếu cá nhân nắm giữ vị thế xã hội. Đồng thời vị thế xã hội sẽ thể hiện sự phân cấp, phân chia quyền điều hành so với vị thế xã hội khác.
Xem thêm: Mối quan hệ và cấu trúc giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội
Ví dụ một ông chủ của một công ty có những quyền lợi là quyền điều hành cao hơn so với nhân viên. Khi đó ông chủ cũng phải có nhiều trọng trách hơn, phải thực hiện nhiều nghĩa vụ hơn.
Vị thế xã hội được kết nối thông qua việc tương tác giữa con người trong xã hội. Ví dụ bạn giữ vị thế là con gái trong quan hệ với mẹ nhưng lại là chị trong sự kết nối với em trai hay bạn là bạn trong mối quan hệ với bạn bè.
Các yếu tố ảnh hưởng đến vị thế xã hội phải kể đến như:
– Thứ nhất, nguồn gốc xã hội hay dòng dõi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên vị thế con người bao gồm nhiều yếu tố như: nguồn gốc giai tầng xã hội, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc…
– Thứ hai là sự giàu có hay của cải, thu nhập. Sự giàu có thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau cũng tham gia vào việc cấu thành nên vị thế xã hội của một cá nhân.
– Thứ ba là nghề nghiệp. Những nghề nghiệp khác nhau có ý nghĩa khác nhau trong việc cấu thành nên vị thế của cá nhân. Tuy nhiên tác động của nghề nghiệp đến vị thế sẽ thay đổi theo thời gian, tùy theo ý nghĩa, lợi ích của nghề nghiệp mang lại.
– Thứ tư, về trình độ học vấn. Ai có trình độ học vấn càng cao thì vị thế xã hội của người đó càng cao. Nhiều lúc, nơi được đào tạo cũng tham gia vào việc cấu thành vị thế của cá nhân.
– Tiếp theo là những đặc điểm về sinh lý, giới tính: cũng là những nhân tố quan trọng đóng góp vào việc xác định vị thế của cá nhân. Các đặc điểm cụ thể như:
+ Giới tính. Trong xã hội truyền thống, các quốc gia Hồi giáo, thậm chí ở một số xã hội hiện đại, nam giới vẫn thường được xem trọng, đề cao hơn nữ giới.
+ Lứa tuổi: Ví dụ người già thường có vị thế cao hơn và thường được kính trọng hơn so với những người ít tuổi.
+ Thể chất: Những người có thể chất khoẻ mạnh và cơ thể xinh đẹp, hài hoà thường dễ chiếm được vị thế quan trọng trong xã hội hơn.
3. Vai trò xã hội là gì?
Xã hội là nơi để con người có thể phát triển và sinh sống, trong đó mỗi cá nhân như là một vai diễn là một hoặc nhiều chức năng mà cá nhân ấy phải đảm trách trước xã hội. Theo Robertsons vai trò là một tập hợp các chuẩn mực, hành vi, quyền lợi và nghĩa vụ được gắn liền với một vị thế xã hội nhất định. Khái niệm vai trò xã hội bắt nguồn từ khái niệm vai diễn trên sân khấu. Vai diễn trên sân khấu đòi hỏi diễn viên phải nhập tâm, bắt chước và học tập đóng vai của những nhân vật được đạo diễn phân đóng.
Còn vai trò xã hội không có tính chất tưởng tượng, bắt chước cứng nhắc và nhất thời. Những hành vi thực tế của một người nhờ học hỏi được những kinh nghiệm, lối sống, tác phong từ trước đó trong cuộc sống. Vai trò xã hội của một người có nghĩa là người đó phải đảm nhận hay thể hiện đầy đủ các hành vi, nghĩa vụ, hệ thống chuẩn mực trên cơ sở vị thế của người đó. Đồng thời họ cũng nhận được những quyền lợi xã hội tương ứng với việc thực hiện vai trò của họ.
– Định nghĩa: Vai trò xã hội là chức năng xã hội, là mô hình hành vi được xác lập một cách khách quan bởi vị thế xã hội của cá nhân trong hệ thống các quan hệ xã hội hoặc hệ thống các quan hệ giữa các cá nhân. Hay nói cách khác vị thế là chỗ đứng của vài trò.
– Đặc trưng của vai trò xã hội:
+ Vai trò là sự kết hợp của khuôn mẫu tác phong bên ngoài (hành động) và tác phong tinh thần ở bên trong (kiến thức, sự suy nghĩ). Nó không phải bao giờ cũng là những cơ chế tác phong độc đoán, cứng rắn, thụ động (như các vai trò trong một số nghi thức tôn giáo) mà có tính co giãn (có thể lựa chọn, lầm lẫn…), chủ yếu chịu sự tác động từ phía chủ thể, phong cách thực hiện vai trò, mức độ tích cực, mức độ nhận thức về vai trò đó.
+ Vai trò xã hội mô tả các tác phong đồng nhất được xã hội chấp nhận. Nó xuất hiện từ những mối quan hệ xã hội, những mối quan hệ qua lại của những người cùng hoạt động. Vai trò xã hội bao hàm các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới một nhiệm vụ nào đó.
+ Vai trò được thực hiện trong sự phù hợp với các chuẩn mực xã hội nói chung, với sự mong đợi của người xung quanh, không phụ thuộc vào cá nhân – người thực hiện vai trò.
+ Các cá nhân chấp nhận vai trò (vai trò chủ động, vai trò lựa chọn) chủ yếu dựa vào mức độ phù hợp của chúng với nhu cầu và lợi ích cá nhân trong sự tồn tại phát triển của mình. Khi nó không còn phù hợp nữa sẽ bị loại bỏ.
+ Một cá nhân có thể đóng nhiều vai trò. Trong tình huống ấy thường xảy ra sự xung đột vai trò. Vì vậy cần có sự điều chỉnh để vai trò này hoà hợp với vai trò khác (cha – con, chủ – thợ, thầy – trò…).
+ Các loại vai trò: Vai trò chủ yếu – thứ yếu, chính – phụ. Vai trò then chốt (là khi nó được dành nhiều thời gian, nỗ lực và đại diện cho giá trị cao cả nhất của xã hội), vai trò không then chốt.
Mỗi cá nhân có vô vàn vai trò, có bao nhiêu mối quan hệ xã hội thì có bấy nhiêu vai trò xã hội. Vị thế và vai trò của cá nhân trong xã hội bắt nguồn từ vị trí kinh tế, chính trị, xã hội của họ, từ địa vị của các cá nhân thuộc các giai cấp và các nhóm xã hội khác mà quy định nên. Mỗi cá nhân có nhiều vị thế và vai trò khác nhau ở gia đình, ngoài xã hội…và tuỳ theo vai trò của mình mà cá nhân sẽ có cách ứng xử, hành vi, tác phong, hành động tương ứng với vai trò mà cá nhân đảm trách. Vị thế và vai trò luôn gắn bó mật thiết với nhau.
Không thể nói tới vị thế mà không nói tới vai trò và ngược lại. Vai trò và vị thế là hai mặt của một vấn đề. Vị thế của cá nhân được xác định bằng việc trả lời cho câu hỏi: người đó là ai? Và vai trò của các nhân được xác định bằng cách trả lời câu hỏi: người đó phải làm gì? Vai trò phụ thuộc vào vị thế (vị thế nào vai trò ấy). Một vị thế có thể có nhiều vai trò. Trong mối quan hệ giữa vị thế và vai trò thì vị thế thường ổn định hơn, ít biến đổi hơn, còn vai trò thì biến động hơn. Thông thường thì sự biến đổi của vai trò phụ thuộc vào sự biến đổi của vị thế. Vị thế biến đổi thì vai trò cũng biến đổi.