Dịch vụ
Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán là gì?
Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán là gì? Đây là hai khái niệm thường gặp nhưng rất dễ gây nhầm lẫn, việc nắm rõ sự khác nhau giữa chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán là vô cùng cần thiết. Hôm nay, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết qua nội dung sau.
1. Căn cứ pháp lý quy định về chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán
- Chuẩn mực kế toán số 14 – Doanh thu và thu nhập khác.
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Thông tư 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
2. Khái niệm về chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán
2.1 Chiết khấu thương mại là gì?
Theo chuẩn mực kế toán số 14 – Doanh thu và thu nhập khác quy định:
Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn.
Kết luận: Khi bạn mua hàng số lượng lớn, được giảm giá theo như thỏa thuận hoặc điều khoản đã ghi rõ trong hợp đồng, thì đây là khoản chiết khấu thương mại.
2.2 Chiết khấu thanh toán là gì?
Chiết khấu thanh toán: Là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.
Kết luận: Khi bạn mua hàng và thanh toán trước thời hạn, được giảm giá như đã thỏa thuận hoặc theo điều khoản đã ghi rõ trong hợp đồng, thì đây là khoản chiết khấu thanh toán. Về nội dung thì chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán có điểm chung đều là khoản lợi do giảm giá trị phải thanh toán mà bên mua được hưởng. Tuy nhiên, xét về bản chất thì chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán hoàn toàn khác nhau.
3. Thời điểm phát sinh chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán
- Chiết khấu thương mại: Phát sinh khi đơn hàng được tạo lập. Ví dụ: Công ty A mua mặt hàng kệ gỗ của công ty B với giá bán lẻ 1,500,000 đồng/cái. Khi mua số lượng trên 100 thì giá bán là 1,200,000 đồng/cái.
- Chiết khấu thanh toán: Phát sinh khi bên mua tiến hành thanh toán. Ví dụ: Công ty A mua 50 kệ gỗ của công ty B với giá 1,500,000 đồng/cái, tổng tiền phải thanh toán là 75,000,000 đồng, được trả chậm trong vòng 30 ngày. Hai bên thỏa thuận, nếu bên A thanh toán 100% trước ngày thứ 15 thì sẽ được nhận chiết khấu 3% là 2,250,000 đồng.
4. Tác động đến doanh thu của chiết khấu thương mại
Chiết khấu thương mại được trừ khi xác định doanh thu. Theo định nghĩa về doanh thu trong chuẩn mực kế toán số 14 -Doanh thu và thu nhập khác:
“Doanh thu phát sinh từ giao dịch được xác định bởi thỏa thuận giữa doanh nghiệp với bên mua hoặc bên sử dụng tài sản. Nó được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu được hoặc sẽ thu được sau khi trừ (-) các khoản chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại.”
Như vậy, giá trị chiết khấu thương mại sẽ không được tính vào giá trị doanh thu như chiết khấu thanh toán, điều đó dẫn đến việc hạch toán kế toán khác nhau và thuế phải nộp cũng sẽ khác nhau.
5. Quy định về cách xuất hóa đơn có chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán
Theo khoản 2.5 Phụ lục 4 kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về hóa đơn “Hàng hóa, dịch vụ áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào”.
- Theo quy định trên thì đối với bên bán, giá bán là giá sau chiết khấu thương mại, từ đó làm giảm thuế GTGT đầu ra, đồng thời giảm thuế TNDN phải nộp. Đối với người mua, chiết khấu thương mại sẽ được giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn, giảm trực tiếp giá trị hàng hóa dịch vụ và thuế GTGT đầu vào của bên mua.
- Còn đối với chiết khấu thanh toán, khoản này được ghi nhận như khoản chi phí tài chính đối với bên bán và là doanh thu hoạt động tài chính với bên mua.
6. Cách hạch toán chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán
Theo thông tư 200/2014/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, cách hạch toán các khoản chiết khấu sẽ được ghi nhận như sau:
Định khoản chiết khấu thương mại:
Bên bán:
Nợ 111/112/131 Tổng số tiền phải thu
Có 511 Doanh thu bán hàng (giá trị trên hóa đơn đã trừ chiết khấu thương mại; giá trị chưa thuế)
Có 3331 Thuế GTGT đầu ra
Bên mua
Nợ 156 Giá trị hàng hóa chưa thuế
Nợ 133 Thuế GTGT được khấu trừ
Có 111/112/131 Số tiền đã bao gồm thuế
Định khoản chiết khấu thanh toán
Bên bán
Nợ 635 Chi phí tài chính
Có 111/112/131 Giá trị chiết khấu thanh toán trả bằng tiền mặt/TGNH/bù trừ khoản phải thu
Bên mua
Nợ 111/112/331 Giá trị chiết khấu thanh toán được nhận bằng tiền mặt/TGNH/ bù trừ khoản phải trả
Có 515 Doanh thu hoạt động tài chính
Tổng hợp các điểm khác nhau giữa chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán
Trên đây là bài viết tổng hợp về chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán, cùng sự khác nhau giữa 2 loại chiết khấu này. Hy vọng bài viết đã mang đến các thông tin hữu ích dành cho các bạn!
FILI
Nguồn: https://ketoanthuengoai.vn/phan-biet-chiet-khau-thuong-mai-va-chiet-khau-thanh-toan.html