Vinamilk là một trong những công ty sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam. Hãy cùng phân tích SWOT của Vinamilk để hiểu hơn về thương hiệu này qua bài viết dưới đây.
Contents
SWOT là gì? Mô hình SWOT là gì?
Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp.
SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – Là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.
Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT Vinamilk, điểm mạnh và điểm yếu là 2 yếu tố để đánh giá nội bộ doanh nghiệp. Đối với 2 yếu tố này, doanh nghiệp có thể kiểm soát và thay đổi được. Thường các yếu tố này có liên quan tới hoạt động công ty, tài sản thuộc về doanh nghiệp, phát triển sản phẩm,…
Bên cạnh đó, 2 yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức là các yếu tố tác động bên ngoài thường liên quan đến thị trường và mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp có thể sẽ không thể kiểm soát được 2 yếu tố bên ngoài này. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội, nhưng cũng phải quan tâm và đề phòng tới những thách thức từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thông qua phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ nhìn rõ mục tiêu bán hàng của mình cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, từ đó có những chiến lược bán hàng phù hợp để có thể tăng doanh thu.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, phân tích SWOT đóng vai trò là một công cụ hữu ích, đem lại hiệu quả cao giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể không chỉ về chính những yếu tố bên trong doanh nghiệp mà còn về những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng và quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp.
Đọc chi tiết hơn về mô hình SWOT tại bài viết: Mô hình SWOT là gì & 7 bước phân tích SWOT
Phân tích mô hình SWOT của Vinamilk chi tiết
Vinamilk là một trong những công ty sản xuất, kinh doanh sữa và sản phẩm từ sữa hàng đầu Việt Nam. Vinamilk cũng là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ việc đầu tư vào những nội dung hay và phù hợp với đối tượng khách hàng của mình thông qua các chiến dịch Marketing cũng như các chiến lược Marketing bài bản và hiệu quả.
Điểm mạnh (Strengths) trong mô hình SWOT của Vinamilk
Về điểm mạnh trong mô hình SWOT của Vinamilk, thương hiệu này có một số những điểm mạnh nổi bật dưới đây.
Thương hiệu Vinamilk nổi tiếng
Điểm mạnh đầu tiên của Vinamilk đó là Vinamilk là một thương hiệu nổi tiếng. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1976, Vinamilk đã xây dựng lên một thương hiệu mạnh cho sản phẩm sữa tại thị trường Việt Nam.
Thương hiệu Vinamilk được sử dụng từ khi công ty mới bắt đầu thành lập và hiện nay là một thương hiệu sữa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Vinamilk thống lĩnh thị trường nhờ tập trung quảng cáo, tiếp thị, không ngừng đổi mới sản phẩm và nâng cao chất lượng.
Bởi vì là một thương hiệu nổi tiếng nên Vinamilk dẫn đầu rõ rệt về mức độ tin dùng và yêu thích của người Việt Nam đối với các sản phẩm dinh dưỡng. Chất lượng quốc tế luôn được Vinamilk cam kết và khẳng định để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược Marketing của Vinamilk hiệu quả
Việc triển khai thành công các chiến lược Marketing hiệu quả cũng là điểm mạnh của Vinamilk.
Một trong những chiến lược Marketing của Vinamilk đó là tận dụng đa dạng các kênh như TV, báo đài, billboard, fanpage, truyền hình,… để quảng cáo sản phẩm của mình. Với chiến lược quảng cáo sản phẩm đa kênh, độ phủ sóng đã giúp cho Vinamilk triển khai thành công các chiến dịch Marketing của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đầu tư vào nội dung quảng cáo trong các chiến dịch Marketing cũng như những nội dung cung cấp thông tin hữu ích tới khách hàng. Để có thể sản xuất được những nội dung hay và hấp dẫn, Vinamilk đã áp dụng mô hình Hero – Hub – Help (3H) trong chiến lược nội dung của mình một cách hiệu quả để có thể đạt được những thành công nhất định.
Đọc thêm về chiến lược marketing của Vinamilk TẠI ĐÂY.
Danh mục sản phẩm đa dạng
Vinamilk cung cấp các sản phẩm sữa đa dạng với trên 200 sản phẩm sữa và các mặt hàng từ sữa, phục vụ nhiều đối tượng người tiêu dùng. Các dòng sản phẩm nhắm đến những đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể như: trẻ nhỏ, người lớn và người già cùng với các sản phẩm dành cho hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh như quán café.
Các sản phẩm của Vinamilk đa dạng với các kích cỡ bao bì khác nhau mang đến cho khách hàng tại thị trường Việt Nam các sản phẩm sữa tiện dụng. Vinamilk cũng làm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để tăng khả năng phục vụ và tối đa hóa lợi nhuận trên phân khúc thị trường mà Vinamilk hướng tới.
Mạng lưới phân phối rộng khắp
Một điểm mạnh khác của Vinamilk đó là thương hiệu này sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp.
Mạng lưới phân phối và bán hàng rộng khắp là yếu tố thiết yếu dẫn đến thành công của Vinamilk trong hoạt động. Với mạng lưới phân phối rộng khắp, Vinamilk có thể tiếp cận được với một số lượng lớn khách hàng và đảm bảo cho việc đưa ra các sản phẩm mới và các chiến lược tiếp thị hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009, Vinamilk đã bán sản phẩm thông qua 240 nhà phân phối cùng với hơn 140.000 điểm bán hàng tại toàn bộ 64 tỉnh thành của cả nước. Đội ngũ bán hàng nhiều kinh nghiệm gồm 1.787 nhân viên bán hàng trên khắp đất nước đã hỗ trợ cho các nhà phân phối phục vụ tốt hơn các cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời quảng bá sản phẩm của công ty. Đội ngũ bán hàng kiêm luôn nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phân và phát triển mối quan hệ với các nhà phân phối và bán lẻ.
Vinamilk ứng dụng công nghệ cao
Sở hữu công nghệ tiên tiến cũng là một điểm mạnh nổi bật của Vinamilk.
Vinamilk sở hữu công nghệ sản xuất châu Âu đạt tiêu chuẩn toàn cầu, Thiết bị khử trùng của Vinamilk được nhập khẩu từ Thụy Điển cùng các trang thiết bị khác có xuất xứ từ các nước châu Âu. Các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 50001: 2011 và HACCP đều được áp dụng để kiểm soát hệ thống sản xuất.
Vinamilk luôn đổi mới công nghệ, lắp đặt các hệ thống dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh, hiện đại, đón đầu công nghệ mới với các tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nhất. Vinamilk cũng xây dựng thêm nhiều nhà máy với trang bị hiện đại, tiên tiến tại các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, tạo thế chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
Điểm yếu trong mô hình SWOT của Vinamilk
Bên cạnh những điểm mạnh, Vinamilk cũng có những điểm yếu cần phải khắc phục.
Một số những điểm yếu chính trong mô hình SWOT của Vinamilk có thể được kể đến như sau.
Vinamilk chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu
Chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là một trong những điểm yếu của Vinamilk.
Khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản xuất, thì 70% nguồn cung và tỷ lệ nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào quan hệ cung-cầu sữa của thể giới. Với sự phụ thuộc này, tình hình sản xuất và kinh doanh của Vinamilk sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài cũng như bị ảnh hưởng những yếu tố như lạm phát, khủng hoảng kinh tế,…
Thị phần sữa bột chưa cao
Hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng sữa bột nhập khẩu cao hơn sữa bột được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu sữa ngoại được nhập khẩu từ châu Âu nên thị phần sữa bột của Vinamilk vốn giữ vị trí độc quyền đang có xu hướng tuột dốc.
Cơ hội trong mô hình SWOT của Vinamilk
Để tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, Vinamilk có thể nắm bắt một số những cơ hội có lợi để phát triển thương hiệu và tăng doanh số bán hàng như sau.
Nguồn nguyên liệu cung cấp đang được hỗ trợ từ chính phủ, nguyên liệu nhập khẩu có thuế suất giảm
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có rất nhiều tác động to lớn tới ngành sữa trong nước. Cụ thể là từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN và WTO năm 1995 và 2007. Vào tháng 7 năm 2010, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt quy định yêu cầu các sản phẩm sữa, đặc biệt sữa cho trẻ em phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang hỗ trợ về nguồn nguyên liệu cung cấp và giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí sản xuất. Đây chính là cơ hội to lớn mà Vinamilk cần nắm bắt để sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng.
Lượng khách hàng tiềm năng cao và có nhu cầu lớn
Việt Nam vẫn là một đất nước có lượng khách hàng tiềm năng cao và có nhu cầu tiêu thụ sữa lớn mà Vinamilk có thể tận dụng.
Việt Nam có mật độ dân số cao, tỷ lệ dân có xu hướng đô thị hóa trong những năm gần đây tăng, trình độ học vấn tăng cao, thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng dần được cải thiện… Đây đều là những cơ hội mà Vinamilk cần nắm bắt.
Với trình độ học vấn tăng cao, giới trẻ Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức và văn hóa ở phương Tây, hiểu biết hơn về tác dụng của sữa với cơ thể nên họ có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm từ sữa nhiều hơn.
Bên cạnh đó, khi cha mẹ ngày càng quan tâm đến con cái và để ý đến chế độ dinh dưỡng của con mình, những sản phẩm từ sữa của Vinamilk cũng rất có lợi đối với sự phát triển của trẻ, từ đó thu hút đối tượng khách hàng là cha mẹ và trẻ nhỏ.
Nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt tăng cao
Hầu hết người Việt Nam đều có nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ sữa. Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng, nhiều người còn sử dụng các sản phẩm từ sữa cho việc làm đẹp hoặc nấu ăn. Vì thế, đây chính là cơ hội và tiềm năng lớn để Vinamilk tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong ngành sữa.
Khách hàng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng và có lợi cho sức khỏe
Theo báo cáo tiêu dùng của Nielsen thì Khách hàng ngày nay quan tâm sâu sắc tới sức khỏe và có xu hướng mua các sản phẩm sức khỏe. Và khi nói tới thực phẩm bổ sung sức khỏe thì đa phần người tiêu dùng sẽ đề cập tới sữa, thực phẩm quan trọng trong các sản phẩm dinh dưỡng.
Xu hướng khách hàng tiêu thụ sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã tạo cơ hội cho Vinamilk phát triển. Vinamilk đã được tổ chức Bán lẻ Anh Quốc (British Retail Consortium) công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đóng góp cho việc gia tăng lợi thế, tăng trưởng doanh số và mở rộng thị trường. Chính niềm tin vào thực phẩm dinh dưỡng, xu hướng phát triển của thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe, thu nhập cao đã trở thành nhân tố tiếp theo cho sự phát triển của Vinamilk.
Thách thức trong mô hình SWOT của Vinamilk
Bên cạnh cơ hội thì Vinamilk cũng cần đối mặt với một số những thách thức. Các thách thức chính trong phân tích SWOT của Vinamilk có thể được liệt kê như sau.
Nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường
Thị trường sữa cũng là thị trường có mức độ cạnh tranh cao. Vì vậy, đây là một thách thức mà Vinamilk phải đối mặt.
Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng dẫn đến sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh mới. Với một thương hiệu lâu năm như Vinamilk, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn. Hiện tại, người tiêu dùng Việt đang đứng trước nhiều sự lựa chọn về các sản phẩm từ sữa. Nhất là các thương hiệu nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam dẫn đến vị thế của Vinamilk trên thị trường dần “lung lay”.
Một số những đối thủ chính của Vinamilk có thể được kể đến như: TH True Milk, Dutch Lady,… cùng những thương hiệu mới nổi như Meadow Fresh hay Table Cove.
Việc gia tăng số lượng công ty cạnh tranh gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho Vinamilk như giảm sự đa dạng về sản phẩm sữa (cạnh tranh ở thị trường ngách), khó duy trì được khách hàng trung thành, mất đi các thị phần sữa vào tay đối thủ cạnh tranh…
Nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định
Một thách thức khác mà Vinamilk phải đối mặt đó là nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định.
Tuy sở hữu những trang trại bò sữa chuẩn quốc tế, nguyên liệu của Vinamilk vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Ngoài ra, do lợi nhuận từ chăn nuôi không cao nên nông dân có xu hướng chuyển đổi công việc. Điều này đã tạo nên một sức ép lớn đối với Vinamilk, đòi hỏi thương hiệu này phải tập trung vào phát triển nguyên liệu trong nước, tránh phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Khách hàng Việt Nam có xu hướng chuộng sữa ngoại
Xu hướng chuộng sữa ngoại của người Việt Nam là một thách thức lớn của Vinamilk.
Đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, khách hàng có xu hướng chuộng hàng ngoại hơn. Họ cho rằng hàm lượng dinh dưỡng và độ an toàn từ sản phẩm xách tay cao hơn hàng nội địa. Với tình hình này, Vinamilk cần tăng cường thêm nhiều chiến dịch quảng bá thương hiệu, khẳng định giá trị dinh dưỡng của sản phẩm không thua kém bất cứ thương hiệu ngoại quốc nổi tiếng nào.
Tổng kết
Vinamilk là một trong những thương hiệu sữa nổi tiếng của Việt Nam với thương hiệu lâu đời, danh mục sản phẩm đa dạng và những chiến lược Marketing quảng cáo sản phẩm hiệu quả. Tuy nhiên, Vinamilk cũng cần khắc phục một số những điểm yếu nhất định như chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và thị trường sữa bột chưa cao.
Bên cạnh đó, Vinamilk có thể nắm bắt một số cơ hội có lợi cho việc kinh doanh và sản xuất như: Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, nhu cầu tiêu thụ sữa tăng cao, khách hàng có nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm có lợi cho sức khỏe,…
Đi kèm với cơ hội thì Vinamilk cũng cần đối mặt với một số thách thức như: Nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường, nguồn nguyên liệu không ổn định,…
Để giúp đỡ anh/chị sử dụng kiến thức trong bài viết, chúng tôi tổng hợp lại phân tích SWOT của Vinamilk dưới đây.
Tham khảo thêm một số bài viết hay khác:
- Top 3 chiến lược marketing của Vinamilk thành công tại Việt Nam
- Phân tích chiến lược Marketing của Coca-Cola tại Việt Nam
- Phân tích 5 chiến lược Marketing của Pepsi thành công tại Việt Nam
11,025