Khái niệm về sự kiện bất khả kháng
Theo từ điển Black’s Law Dictionary, bất khả kháng là “một sự kiện hoặc hiện tượng không thể lường trước được và không thể khắc phục được” (1). Trong quan hệ hợp đồng, sự kiện bất khả kháng thường được hiểu là sự kiện, hiện tượng xảy ra một cách khách quan, vượt ra khỏi sự kiểm soát của các bên có liên quan, cản trở một hoặc các bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Mặc dù các sự kiện bất khả kháng cụ thể được quy định trong các hợp đồng, thông thường là tại điều khoản về bất khả kháng, có thể khác nhau nhưng điểm chung của các sự kiện bất khả kháng là xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được, bất kể các bên có liên quan đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Mục đích của điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ đều nhằm miễn trừ trách nhiệm cho bên vi phạm nghĩa vụ trong các trường hợp xảy ra các sự kiện khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được này.
Pháp luật quốc tế, cụ thể là Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt là CISG) không đề cập đến sự kiện bất khả kháng nhưng đã đưa ra khái niệm “trở ngại” mà bên vi phạm gặp phải, có thể được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ (2). Theo đó, các yếu tố cấu thành “trở ngại” bao gồm: Nằm ngoài sự kiểm soát; Không thể lường trước được và không thể tránh được cũng như không thể khắc phục được hậu quả. Thuật ngữ “trở ngại” được sử dụng trong CISG phản ánh chính xác thuộc tính khách quan của sự kiện pháp lý là cơ sở để bên vi phạm được miễn trách nhiệm, đó là: không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể và gây khó khăn cản trở cho chủ thể thực hiện nghĩa vụ. Chủ thể trong quan hệ hợp đồng, khi gặp trở ngại này, sẽ được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận và bồi thường thiệt hại, nếu có. Theo thống kê tại UNILEX (3), có 73 vụ tranh chấp liên quan tới Điều 79 CISG (4), trong đó trở ngại có thể được miễn trách nhiệm gồm có: Ứng xử của bên vi phạm, đình công, nhà cung cấp không thực hiện nghĩa vụ, bên thứ ba độc lập không thực hiện nghĩa vụ, hành động của cơ quan công quyền…
Vụ tranh chấp giữa bên bán – Forberich (Đức) và bên mua – RMI (Hoa Kỳ) trong hợp đồng mua bán 15.000 – 18.000 tấn đường ray tàu hỏa đã sử dụng của Nga, trong đó bên mua khởi kiện bên bán tại Tòa án Illinois (Hoa Kỳ) về việc không cung cấp hàng đúng thời hạn, bên bán lập luận rằng mình được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, cụ thể là: Tại thời điểm chuyển hàng, cảng St. Peterburg đã đóng cửa không báo trước và không cho phép tàu được vào ra cảng. Do hợp đồng mua bán của hai bên không có điều khoản về sự kiện bất khả kháng, Tòa án áp dụng Điều 79 CISG và xác định rằng: (1) Có trở ngại, (2) Trở ngại gây ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ, và (3) Trở ngại không thể lường trước được. Tòa án cho rằng việc cảng đóng cửa ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ của bên bán và điều này không thể lường trước được, và do đó bác đơn của bên mua, ra phán quyết chấp nhận sự kiện bất khả kháng theo yêu cầu của bên bán (5).
Vụ tranh chấp giữa một Công ty của Áo (bên bán) và một Công ty của Bulgari (bên mua), trong đó bên bán kiện bên mua tại Trung tâm trọng tài quốc tế Paris, đòi bên mua bồi thường thiệt hại do bên mua không mở thư tín dụng (L/C), còn bên mua viện dẫn một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là quyết định của chính phủ về việc ngừng thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ và cho rằng mình không mở thư tín dụng là do gặp trở ngại, và do đó được miễn trách nhiệm (6) là một ví dụ về việc xác định “trở ngại” theo CISG, hay “sự kiện bất khả kháng” theo pháp luật quốc gia.
Theo pháp luật Việt Nam, sự kiện bất khả kháng là “Sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” (7), là căn cứ để xác định các trường hợp không bị tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Sự kiện bất khả kháng, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, gồm có ba dấu hiệu sau đây: (i) Khách quan; (ii) Không thể lường trước được; và (iii) Không thể giải quyết, khắc phục được. Quy định này được áp dụng cho trường hợp cần chứng minh sự kiện bất khả kháng là căn cứ để bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ được miễn trách nhiệm dân sự (8), bao gồm cả trách nhiệm trong quan hệ hợp đồng thương mại.
Liên quan tới dấu hiệu thứ nhất, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện khách quan, do nguyên nhân tự nhiên hoặc do con người gây ra, không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm nghĩa vụ, bên chịu tác động của sự kiện bất khả kháng. Sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên vi phạm nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Sự kiện bất khả kháng có thể là sóng thần, động đất, thiên tai, chiến tranh, đình công, bạo loạn hay các thảm họa khác.
Về dấu hiệu thứ hai, sự kiện bất khả kháng nằm ngoài khả năng kiểm soát, không lường trước được của bên/các bên vi phạm nghĩa vụ. Các bên trong hợp đồng, hoặc ít nhất là bên vi phạm không thể nhìn thấy trước hay dự kiến trước; không biết, không thể biết hoặc không buộc phải biết sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra và do đó, không thể kiểm soát hay ngăn chặn việc xảy ra sự kiện bất khả kháng. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ: Chỉ thị của Thủ tướng về việc cấm xuất khẩu gạo; quyết định của cơ quan hành chính địa phương về việc di chuyển phải có giấy đi đường,… trong một số trường hợp có thể thỏa mãn dấu hiệu này.
Về dấu hiệu thứ ba, bên vi phạm nghĩa vụ không thể giải quyết, khắc phục được sự kiện bất khả kháng và/hoặc hậu quả của nó dù đã thực hiện mọi giải pháp. Để đáp ứng dấu hiệu này, bên vi phạm cần nỗ lực hết sức để khắc phục sự kiện bất khả kháng hoặc ít nhất là tác động tới hậu quả do sự kiện bất khả kháng gây ra nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất mà sự kiện bất khả kháng đem lại. Dấu hiệu này rất quan trọng, có tính chất quyết định đối với việc xác định sự kiện đã xảy ra có phải là bất khả kháng đối với bên chịu tác động hay không, bởi lẽ khi một sự kiện xảy ra, dù đã đáp ứng đủ hai dấu hiệu trên đây nhưng bên vi phạm nghĩa vụ đã có thể tránh được, khắc phục được và/hoặc tác động vào hậu quả mà sự kiện gây ra bằng những biện pháp tích cực và cần thiết, kịp thời với khả năng thực hiện của mình mà đã không làm thì vẫn phải chịu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Việc một Công ty logistics không thể tuyển dụng thêm nhân công đáp ứng đủ điều kiện đã tiêm đủ hai mũi vaccine để thay thế cho những nhân viên chuyển hàng bị mắc Covid-19 trong điều kiện di chuyển hạn chế theo quy định về giãn cách xã hội, và do đó dẫn đến việc không thực hiện được nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa theo hợp đồng cho đối tác có thể là một ví dụ thỏa mãn dấu hiệu này.
Tương tự như pháp luật Việt Nam, pháp luật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ, ví dụ: Nga (9), Pháp (10), Trung Quốc (11)… cũng quy định về sự kiện bất khả kháng, về cơ bản, bao gồm các yếu tố: Khách quan, không thể lường trước và không thể khắc phục được. Vụ kiện giữa Công ty Acciaierie e Ferriere Buseni Spa với Ủy ban cộng đồng Châu Âu là một ví dụ về việc xác định “Sự kiện bất khả kháng”, theo đó Ủy ban cộng đồng Châu Âu cho rằng Công ty Acciaierie e Ferriere Buseni Spa đã không được xem xét đơn yêu cầu giải quyết vụ việc do đã hết thời hiệu, còn Công ty Acciaierie e Ferriere Buseni Spa cho rằng thời gian Công ty đóng cửa do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được tính vào thời hiệu, và do đó, đơn yêu cầu nộp sau đó phải được xử lý (12).
Miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (13). Phù hợp với quy định này của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại 2005 cũng coi “sự kiện bất khả kháng” là căn cứ cho bên vi phạm được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm (14).
Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, các quy định pháp luật có liên quan và điều kiện cụ thể của từng vụ việc trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, trách nhiệm mà bên vi phạm được miễn có thể bao gồm, nhưng không giới hạn bởi việc thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận theo hợp đồng; Bồi thường thiệt hại theo hợp đồng; Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (15); Trả tiền phạt vi phạm; Thanh toán lãi suất…
Để có thể được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nghĩa vụ cần phải thực hiện các công việc sau đây: (i) Thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra (16); (ii) Chứng minh về sự kiện bất khả kháng.
Việc chứng minh về sự kiện bất khả kháng vô cùng quan trọng nhằm làm rõ căn cứ pháp lý của việc áp dụng quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận của các bên về việc miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm nghĩa vụ. Trong trường hợp sự kiện bất khả kháng đã xảy ra trên thực tế được các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng, ví dụ: bão cấp 10 trở lên, nước lụt trên 02m, giãn cách xã hội, thiên tai, bạo loạn, hỏa hoạn…, việc thu thập, chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ về sự hiện diện của sự kiện bất khả kháng sẽ đơn giản và thuận lợi hơn. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể về sự kiện bất khả kháng, việc xác định về sự hiện diện của sự kiện này thường được xem xét trên cơ sở các dấu hiệu: (i) Khách quan; (ii) Không thể lường trước được; và (iii) Không thể giải quyết, khắc phục được, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Bên cạnh đó, các tài liệu, chứng cứ về ảnh hưởng trực tiếp của sự kiện bất khả kháng đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm; nỗ lực khắc phục và/hoặc ngăn chặn hậu quả từ phía bên vi phạm là những tài liệu bổ trợ cần thiết, giúp cho bên vi phạm được miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận và/hoặc bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng.
Ngoài ra, những căn cứ, lập luận, quy định pháp luật, án lệ, tập quán thương mại, thông lệ… về các vụ việc áp dụng tương tự pháp luật là hữu ích, đặc biệt đối với trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về sự kiện bất khả kháng và trách nhiệm được miễn đối với bên vi phạm.
Áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng trong bối cảnh dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (17): Sản xuất bị gián đoạn hoặc tạm ngừng, tiết giảm biên chế, thiếu nguyên vật liệu, không tiêu thụ được sản phẩm, đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm đơn hàng, mất khả năng thu hồi nợ, giảm khả năng thanh toán, thiếu hụt chuyên gia…; việc thực hiện các hợp đồng thương mại, bao gồm cả hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung cấp dịch vụ bị gián đoạn và trong nhiều trường hợp không có khả năng thực hiện. Liệu Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng và doanh nghiệp có thể áp dụng các quy định về “bất khả kháng” để được miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hay không? Đây là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp với mong muốn duy trì hoạt động và có khả năng vực dậy, phát triển sản xuất kinh doanh sau khủng hoảng dịch bệnh.
Việc diễn giải và chấp nhận/không chấp nhận Covid-19 nói chung hay một sự kiện xảy ra do tác động của Covid-19, ví dụ: Giãn cách xã hội ở từng địa phương, di chuyển phải có giấy đi đường, số lượng nhân công giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng… là sự kiện bất khả kháng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và/hoặc quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng có liên quan, bao gồm pháp luật quốc gia và/hoặc pháp luật quốc tế. Vụ kiện giữa Công ty Electricité de France và Total Direct Enegie tại Tòa thượng thẩm Paris (18) là một ví dụ về việc áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng trong bối cảnh Covid-19, trong đó Tòa thượng thẩm giữ nguyên Quyết định của Tòa án thương mại Paris ngày 20/5/2020 về việc xác định đại dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng áp dụng cho Công ty Total Direct Energie được phép đình chỉ thực hiện hợp đồng nguyên tắc ngay khi xảy ra sự kiện bất khả kháng này.
Trong một số hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, các bên đã đưa “dịch bệnh” vào danh sách các sự kiện bất khả kháng, nhưng cho đến nay, hãn hữu có trường hợp Covid-19 được nêu cụ thể trong danh sách này. Điều này chỉ có thể thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng khi có được sự đồng thuận giữa các bên tham gia hợp đồng về sự kiện bất khả kháng này. Trong trường hợp các bên không thống nhất về cách hiểu và cách áp dụng sự kiện bất khả kháng đã thỏa thuận thì bên vi phạm cần phải có những căn cứ, lập luận và chứng cứ về mối liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp của “dịch bệnh” hoặc “tác động của Covid-19” đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, các quy định pháp luật có liên quan không quy định về các trường hợp cụ thể liên quan tới Covid-19, việc xác định sự kiện bất khả kháng để được miễn trách nhiệm, thông thường sẽ tuân theo các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 với ba dấu hiệu: Khách quan; Không thể lường trước được; Không thể giải quyết, khắc phục được; với sự hỗ trợ của các tài liệu, chứng cứ về việc: đã xảy ra sự kiện bất khả kháng; Sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng; Bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục.
Trong mọi trường hợp, dù các bên có thỏa thuận hay không có thỏa thuận, để được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nhất thiết phải thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 1 Điều 295 Luật Thương mại 2005, cụ thể là thông báo ngay cho bên kia bằng văn bản về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra và chứng minh về sự kiện bất khả kháng.
Một số ví dụ tham khảo
Dưới đây là một số các trường hợp mà các doanh nghiệp đã tiếp cận luật sư để yêu cầu tư vấn về sự kiện bất khả kháng trong bối cảnh Covid-19 (19):
Trường hợp 1: Bên bán (Công ty Việt Nam) ký hợp đồng bán gạo cho bên mua (Công ty Philipin) với điều khoản “hàng giao tại cảng của bên bán” và bên vận chuyển do bên mua thuê. Khi tàu do bên mua thuê đang trên đường đến cảng của bên bán để nhận hàng thì bên bán cho biết “không thể giao hàng” do sự kiện bất khả kháng, cụ thể là do Chính phủ Việt Nam đã quyết định dừng xuất khẩu gạo (sau ngày ký hợp đồng). Bên mua yêu cầu bên bán chịu một phần thiệt hại do tàu đã di chuyển và chuẩn bị cập cảng của bên bán.
Trường hợp 2: Công ty T cung cấp dịch vụ logistics, có hơn 50% số lượng nhân viên bị nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc nên không bảo đảm việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho Công ty K theo hợp đồng đã ký, Công ty T không thể tuyển dụng được nhân công bù đắp số nhân viên nghỉ việc do yêu cầu của chính quyền sở tại chỉ cấp giấy phép di chuyển cho những người đã tiêm đủ 02 mũi vaccine.
Trường hợp 3: Công ty SA phải đóng cửa trong thời gian thành phố bị cách ly theo thông báo của chính quyền địa phương, việc sản xuất và cung ứng hàng hóa cho Công ty D theo hợp đồng không thể thực hiện đúng hạn được. Công ty D yêu cầu Công ty SA bồi thường thiệt hại do vi phạm thời hạn giao hàng.
Trường hợp 4: Công ty C cung cấp dịch vụ du lịch cho các khách hàng đăng ký theo tour trọn gói, bao gồm cả vé máy bay, ăn ở và đi lại. Vào ngày khởi hành, tất cả các chuyến bay đều bị hoãn theo yêu cầu của chính quyền sở tại. Các khách hàng yêu cầu hoàn trả tiền tour và yêu cầu Công ty C trả khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Trường hợp 5: Công ty E cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, đã hoàn thành các thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến nhưng không thể chuyển tiền lệ phí đúng hạn vì Công ty E không thể đáp ứng yêu cầu của ngân hàng sở tại về việc cung cấp chứng từ gốc tại quầy do không có giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội của chính quyền sở tại (mặc dù đã làm thủ tục xin cấp giấy này). Hậu quả, nhãn hiệu của khách hàng bị từ chối chấp nhận đăng ký. Khách hàng yêu cầu Công ty E bồi thường thiệt hại.
Đặc điểm chung của các ví dụ trên đây là trong hợp đồng giữa các bên đều có điều khoản về bất khả kháng, trong đó “dịch bệnh” được liệt kê như một sự kiện bất khả kháng và yêu cầu được áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng được đưa ra trong năm 2020.
Trước tiên, nói về sự kiện bất khả kháng “dịch bệnh” được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Đây là căn cứ để luật sư có thể vận dụng các quy định pháp luật của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 cũng như CISG để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, sẽ thuận lợi hơn nếu khái niệm “dịch bệnh” được các bên đồng thuận và/hoặc ghi nhận, diễn giải một cách cụ thể hơn, chẳng hạn “đại dịch Covid-19” (20), cách ly xã hội (21)… Quan trọng hơn, cùng với các diễn giải cụ thể này, cùng với sự hỗ trợ của Luật sư, bên vi phạm nghĩa vụ có đủ các tài liệu và chứng cứ chứng minh: Sự kiện bất khả kháng theo quy định trong hợp đồng hoặc theo pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến việc không thực hiện nghĩa vụ của bên vi phạm nghĩa vụ và bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được.
Bên cạnh đó, thời điểm yêu cầu áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng là thời gian đại dịch Covid-19 mới bùng phát, trong đó các diễn biến của dịch bệnh và ứng xử của các bên trong hợp đồng cũng như các bên có liên quan khác, kể cả cơ quan công quyền, đều không có tiền lệ, không thể dự đoán trước và có tác động mạnh mẽ, thậm chí là tiêu cực đối với việc thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc thực hiện hợp đồng thương mại của các bên, song khi tin tức về Covid-19 được nhắc đến hàng ngày, các bên đều có những chuẩn bị nhất định để phòng ngừa và giảm thiểu các tác động của đại dịch, tự thân Covid-19 không thể được coi là căn cứ đương nhiên để áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng nhằm miễn trách nhiệm cho tất cả các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thực hiện hoặc không thực hiện thỏa thuận/cam kết giữa các bên trong hợp đồng thương mại. Do đó, khi ký kết hợp đồng, các bên cần cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố “đại dịch” và khi vi phạm hợp đồng, không thể chỉ đơn giản viện dẫn Covid-19 là được áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng và được miễn trách nhiệm, trừ phi có một số yếu tố khác, ví dụ: Bên vi phạm nghĩa vụ chứng minh được rằng họ đã tích cực và nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch Covid-19 nhưng một trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân làm bùng phát dịch trong công ty, dẫn đến toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh bị ngừng trệ, do đó, không đủ hàng giao đúng hạn cho đối tác theo hợp đồng
Nói tóm lại, Covid-19 nói chung không phải là căn cứ đương nhiên để áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng nhằm miễn trách nhiệm cho tất cả các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thực hiện hoặc không thực hiện thỏa thuận/cam kết giữa các bên trong hợp đồng thương mại. Việc xem xét căn cứ này phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; Trên cơ sở thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và các quy định pháp luật quốc gia và quốc tế có liên quan.
Luật sư, Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC BÍCH
Công ty Luật ADVACAS
Nguồn: Luật sư Việt Nam
(1) Từ điển Black’s Law Dictionary (11th ed. 2019).
(2) Tại Mục IV, khoản 1 Điều 79 CISG.
(3) UNILEX là một cơ sở dữ liệu về các án lệ và Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).
(4) http://www.unilex.info/cisg/cases/article/79#article_79
(5) http://www.unilex.info/cisg/case/987
(6) Phán quyết số 7197/1992 của Trung tâm trọng tài quốc tế Paris.
(7) Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015.
(8) Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015.
(9) Chương 3 Điều 401 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga.
(10) Điều 1218 Bộ luật Dân sự Pháp.
(11) Điều 563 Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
(12) Case 284/82, Acciaierie e Ferriere Busseni SpA v Commission of the European Communities. – ECSC
(13) Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015.
(14) Khoản 1.b Điều 294 Luật Thương mại 2005.
(15) Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
(16) Khoản 1 Điều 295 Luật Thương mại 2005.
(17) Theo Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB), trong tổng số 10.200 doanh nghiệp được khảo sát, 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”, trong đó các ngành nghề chịu ảnh hướng lớn nhất là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%); tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền, lao động và chuỗi cung ứng là 50%, 46%, 38%, 33% (đối với DNTN) và 63%, 42%, 41%, 34% (đối với doanh nghiệp FDI).
(18) https://www.soulier-avocats.com/la-cour-dappel-de-paris-confirme-que-la-pandemie-de-covid-19-constitue-un-cas-de-force-majeure/
(19) Thông tin về doanh nghiệp, chi tiết cụ thể về các trường hợp gặp luật sư tư vấn về sự kiện bất khả kháng trong bối cảnh Covid-19 đã được biên tập phục vụ mục đích nghiên cứu học thuật.
(20) Trong trường hợp này, việc xác định Covid-19 là đại dịch trong các văn bản của Tổ chức y tế thế giới (WHO) có thể giúp cho các bên dễ dàng kích hoạt điều khoản về sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng có chứa thuật ngữ “đại dịch”.
(21) Trong trường hợp này, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 hoặc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ có thể là tài liệu hỗ trợ hữu hiệu cho các bên trong việc chứng minh việc đáp ứng các điều kiện để áp dụng sự kiện bất khả kháng.