Contents
1. Vi phạm hình sự là gì?
Về mặt lý luận vi phạm hình sự là hành vi xâm phạm đến các quan hệ pháp luật được Luật Hình sự bảo vệ. Hành vi vi phạm hình sự phát sinh giữa nhà nước và người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại khi chủ thể này thực hiện hoặc không thực hiện các hành vi được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Về mặt pháp lý, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 không định nghĩa trực tiếp vi phạm hình sự là gì nhưng qua khái niệm về tội phạm, chúng ta có thể xác định được như thế nào được coi là hành vi vi phạm hình sự.
Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
Từ khái niệm nêu trên, có thể thấy tội phạm có các đặc điểm như sau:
– Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội;
– Hành vi đó phải được quy định trong Bộ luật Hình sự;
– Chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực hành vi dân sự;
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có lỗi;
– Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được Bộ luật Hình sự bảo vệ.
Tuy nhiên, không phải hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào cũng được coi là tội phạm và bị xử lý theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khi xác định tội phạm phải xem xét tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó bởi có những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác.
2. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Trước khi tìm hiểu chi tiết về các căn cứ khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trước tiên ta cần phải hiểu khởi tố là gì? Về bản chất, khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên trong quy trình, thủ tục tố tụng hình sự. Trong giai đoạn này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận, xác minh thông tin để xem xét về việc có hay không có dấu hiệu của tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời, việc quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự cũng sẽ là cơ sở để xác định chấm dứt hoạt động tố tụng hình sự hay chuyển sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo.
Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”. Theo đó, để xác định dấu hiệu tội phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải dựa trên những căn cứ sau:
Thứ nhất, tố giác của cá nhân về tội phạm khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về vụ việc có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Thứ tư, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Thứ năm, người phạm tội tự thú, tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
Ngoài ra, đối với một số loại tội phạm theo luật định, pháp luật quy định vụ án hình sự có thể bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại.
Như vậy, các căn cứ khởi tố vụ án hình sự được đặt ra nhằm đảm bảo cho quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm diễn ra nhanh chóng, đề cao trách nhiệm của toàn dân trong công cuộc phòng, ngừa tội phạm. Tuy nhiên, để có thể khởi tố vụ án hình sự, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện các bước cơ bản như: Tiếp nhận các thông tin cho rằng có dấu hiệu tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra để kiểm tra, xác minh xem có hay không có dấu hiệu tội phạm và ra quyết định kết luận về việc có hay không có dấu hiệu tội phạm. Theo đó, có thể thấy không phải trường hợp nào cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng tiến hành khởi tố vụ án hình sự khi nhận được các thông tin về dấu hiệu tội phạm mà cần phải kiểm tra, xác minh rõ các thông tin để tránh trường hợp oan sai và hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh doanh – thương mại,…