Thượng đế ban cho con người 5 giác quan hết sức sinh mạng là: Lưỡi (vị giác), Mũi (khứu giác), Tay sờ (xúc giác), Mắt (thị giác) và Tai (thính giác). Còn giác quan thứ 6, được gọi là linh tính, linh cảm, tưởng tượng thành ra có thật, ngủ mê lại đúng sự việc đã xẩy ra, bồn chồn, lo lắng, ngẩn ngơ đi ra đi vào vì nóng ruột một việc gì đó … thì không biết do bộ phận nào trong cơ thể phụ trách, chỉ biết rằng khi đó: tim đập mạnh, mạch nhanh hoặc mạch chậm, tăng hay giảm huyết áp, thở ngắn có khi thở dài, ăn không ngon miệng, nhắm mắt lại không ngủ được, cứ trằn trọc mãi…
Vì không biết rõ có giác quan thứ 6 hay không và giác quan thứ 6 ra làm sao, nên xin chỉ bàn đến “Vai trò của 5 giác quan ở con người” mà nói ra ai cũng biết kể cả trẻ em.
Sau nhiều bàn bạc, thảo luận, người ta tạm xếp thứ tự theo đẳng cấp từ thấp đến cao của các giác quan cho tiện việc giải thích và cắt nghĩa.
– Thấp nhất là Lưỡi (còn gọi là cơ quan vị giác), phụ trách việc nếm các thức ăn để thưởng thức 1 trong 4 khoái lạc của con người (ăn, ngủ, sinh hoạt tình dục và bài tiết chất thải bã ra ngoài).
Sở dĩ xếp Lưỡi đứng thấp nhất là vì nó hoạt động không chính xác và có nhiều nhầm lẫn. Ngày xưa các cụ ta đã trách người không biết đến cái ngon, cái dẻo, cái bùi, cái chát, cái cay, cái đắng, cái chua của thức ăn là những người “Thực bất tri kỳ vị” (nghĩa là ăn mà không phân biệt được ngon hay không ngon của thức ăn).
Ngoài chức năng là bộ phận nhận cảm vị giác, lưỡi còn tham gia vào hoạt động cơ học trong tiêu hóa thức ăn, song chức năng này cũng không quan trọng lắm. Trên thực tế có người lưỡi ngắn hoặc đứt lưỡi cũng ít ảnh hưởng đến hoạt động này, đó là nhai, nhào trộn thức ăn với nước bọt, nuốt …
Có lẽ vai trò quan trọng hơn chức năng vị giác của lưỡi là cùng với hộp cộng hưởng trong khoang miệng để phát âm, phát ra tiếng nói hàng ngày, ca hát, giảng bài, tranh luận, tranh cãi… Như vậy, có lẽ chức năng quan trọng hơn hết của cái lưỡi là phát âm ra những lời yêu thương hay lời độc ác, những lời nhân từ hay tàn nhẫn, trong Kinh Phật gọi là “Khẩu nghiệp” (tức là cái nghiệp gây ra bởi cái miệng, mà trong đó có cái lưỡi).
Về chức năng phát ra tiếng nói của cái lưỡi cần nhớ các câu danh ngôn sau đây:
+ “Im lặng còn tốt hơn là nói một cách vô ích” (Nhà triết học Ménandre, năm 340 đến 292 trước Công nguyên).
+ “Hãy suy nghĩ kỹ những điều bạn nói, nhưng đừng nói ra tất cả những điều bạn nghĩ” (Nhà triết học Marderus Delarue, 1880 – 1945).
– Giác quan thứ hai được nhắc đến gần với lưỡi là Mũi (khứu giác, ngửi, thở…).
Ai bị viêm mũi, viêm xoang, dị ứng phấn hoa thì thấy tắc mũi, chảy nước mũi, ảnh hưởng đến lưu thông khí của hệ thống hô hấp đến nhường nào. Vì thế, vệ sinh mũi họng hàng ngày, tập thở sâu, tập thiền đúng bài bản sẽ giúp cho mũi luôn sạch sẽ, thông thoáng đường dẫn khí, đảm bảo cung cấp oxy (O2) cho cơ thể, là điều nhất thiết phải chú trọng hàng ngày.
Khi xem xét về mối quan hệ giữa Lưỡi và Mũi, người ta thấy chúng nằm trong một không gian ngắn và hẹp nên quan hệ rất khăng khít với nhau. Giữa vị giác và khứu giác có sự ảnh hưởng lẫn nhau như: mùi thơm của thức ăn sẽ làm ta thấy ngon miệng hơn. Có khi chúng hòa vào với nhau, rất khó phân biệt, thí dụ kinh điển là: nếu ăn cam, ăn xoài rồi uống rượu, ta sẽ thấy mất hết mùi và vị.
Mũi là cửa ngõ của hệ thống hô hấp, cũng là nơi giúp ta cảm nhận về khứu giác, giúp ta thưởng thức mùi thơm của cỏ cây hoa lá, nâng cao chất lượng sống cho những ai biết cách hòa nhập với thiên nhiên.
– Giác quan tiếp theo là cơ quan phụ trách việc sờ, mó (xúc giác), mà trong đó quan trọng nhất là đôi bàn tay kỳ diệu của con người. Lẽ dĩ nhiên là da bàn chân bị vướng hòn sỏi trong giầy cũng báo lên não để cởi giầy vứt hòn sỏi đó đi, hay nằm đè vào cái điện thoại thì cơ quan xúc giác ở da lưng cũng phát hiện ra để ngồi dậy lấy cái điện thoại đi… nhưng quan trọng nhất vẫn là hai bàn tay. Có tác giả gọi bàn tay là “bộ não thứ hai”.
Này nhé:
+ Những người mắt kém, khiếm thị, mù lòa vĩnh viễn vẫn có cuộc sống bình thường nhờ có hai bàn tay. Cái cảm giác từ cái đầu gậy dành riêng cho người mù đã dẫn họ đi đường rất mạnh dạn và yên tâm rảo bước.
+ Chữ nổi dành cho người mù cũng nhờ có hai bàn tay mà có thể đọc được văn bản, đọc chuyện, học văn hóa, học ngoại ngữ…
+ Người mù vẫn sử dụng được máy tính, điện thoại nhờ những tiến bộ về công nghệ số cũng thông qua đôi bàn tay kỳ diệu.
+ Khi cứu người đuối nước, nhờ có hai bàn tay, ta có thể mò dưới nước và phân biệt được tóc, tay, chân nạn nhân với cây, cỏ, lá và các vật thể khác khi không thể nhìn được bằng mắt.
+ Trong đêm tối mịt mù, khi mắt không nhìn thấy gì, nhờ có hai bàn tay ta sờ soạng và có thể phân biệt được cái cây, bức tường, khoảng trống… từ đó ta biết cách tìm đường về nhà.
+ Khi bắt cua, bắt cá trong hang, trong hốc kín, nhờ có hai bàn tay mà ta có thể bắt được chúng.
Nói mãi về vai trò của bàn tay sẽ không bao giờ hết cái hay, cái đẹp của nó, chỉ cần nhớ đến các danh ngôn sau đây:
Ngạn ngữ cổ của người Thái Lan nói: “Mười lời nói không bằng hai cặp mắt nhìn nhau thông cảm, hai cặp mắt nhìn nhau không giá trị bằng một cái nắm tay ấm áp yêu thương”.
Nhà tư tưởng cổ đại Aristote (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) đã khẳng định: “Bàn tay là công cụ của mọi công cụ”.
Hoan hô bàn tay, giác quan cực kỳ quan trọng mà Thượng đế đã ban tặng cho con người để sống một cuộc sống chất lượng, thúc đẩy mọi tiến bộ xã hội.
– Còn hai giác quan cực kỳ quan trọng, đặc biệt phải giữ gìn suốt đời, đó là Tai (thính giác) và Mắt (thị giác):
Một cơ quan nọ mấy hôm nay xôn xao vì có một ông Tiến sĩ mới về nhận công tác. Người này đồn người kia: Ông ấy là Tai, Mắt của Bộ nằm ở cơ quan mình. Chẳng biết mô tê ra sao, nhưng từ ông Giám đốc đến anh nhân viên hành chính khi gặp anh đều chào hỏi, luôn nở nụ cười xã giao. Hoan hô ông Tiến sĩ đã được đánh giá như hai giác quan hàng đầu là Tai và mắt, vì thế mà ai trong cơ quan cũng có ý nể trọng!
Theo các lĩnh vực y học, triết học, xã hội học, tâm lý học, ta có thể thấy Tai, Mắt đóng vai trò quan trọng trong 3 quá trình sau của con người:
1/ Nâng cao hiểu biết suốt cả đời người và giúp hoàn chỉnh trí tuệ ở người trưởng thành.
+ Nhờ Mắt và Tai, người học sinh, sinh viên học được các kiến thức qua các phương tiện Nghe, Nhìn (audio – visual), qua các giáo cụ trực quan, qua những lời hay ý đẹp của các thầy, cô mà trưởng thành hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.
Thế rồi, khi ra trường đi làm, cũng nhờ những điều mắt thấy, tai nghe giúp ta có thêm kinh nghiệm sống và làm việc ngày càng hoàn thiện và phong phú, ngày càng làm giầu cái kho báu Trí tuệ để giúp cuộc sống của ta có chất lượng.
2/ Nhờ quá trình Mắt thấy, Tai nghe để giao lưu, để gắn bó đã vun đắp đời sống tinh thần, đời sống tình cảm giữa con người với nhau, giữa con người với xã hội.
3/ Nhờ có Tai, Mắt mà ngày ngày ta thưởng thức được đời sống văn minh qua nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, sân khấu…) và các loại hình văn hóa đa dạng khác, làm cho cuộc đời thêm phong phú để đáng yêu, đáng sống.
Nói về Mắt, người ta coi nó là giác quan cao quý nhất của con người, đến nỗi có người gọi nó là “Cửa sổ của tâm hồn”, là “Trời xanh trong mắt em”, là “Cả một hồ thu”! Cần nhớ câu danh ngôn mang tính tổng kết sau đây của nhà triết học Joseph Addison (1672 – 1719): “Thị giác là giác quan hoàn hảo nhất và dễ chịu nhất trong tất cả các giác quan của chúng ta”.
Qua một lần thử xếp hạng đẳng cấp của các giác quan, chúng ta càng thấy cần phải tập luyện nhằm giữ gìn các giác quan quý báu của mình hơn nữa để càng ngày càng thêm yêu mến con người và cuộc sống.