Contents
[Văn mẫu học sinh giỏi] Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài:
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn với nhiều tập thơ nổi tiếng, trong đó nổi bật là bài thơ “ Nhàn” thuộc tập “ Bạch vân quốc ngữ thi”. Tác phẩm đã thể hiện sâu sắc quan niệm sống nhàn của nhà thơ.
2. Thân bài:
Hai câu đề:
+ Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên như thể lão nông tri điền trong trạng thái “ thơ thẩn”, thảnh thơi “ dầu ai vui thú nào”.
+ Mặc cho ai lao vào cuộc đua danh lợi, quyền quý, mặc cho cuộc đời biến thiên dữ dội, tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn vẫn sáng trong, thanh sạch, không vướng bận danh lợi. Ông đã tìm về với cuộc sống thôn dã, tự mình thanh thản với chính mình, quên hết sự đời nhiều bon chen. Như vậy, nhàn là cuộc sống thảnh thơi không vướng vào vòng danh lợi.
Hai câu thực:
+ Chốn lao xao: chốn đô hội, quan trường tấp nập ngựa xe, là nơi cuộc sống xa hoa, đủ đầy và có bon chen, hiểm độc.
+ Nơi vắng vẻ: nơi thôn quê thanh nhàn vắng vẻ, là nơi tĩnh tại của thiên nhiên nhưng cũng là nơi tĩnh tại của tâm hồn.
=> Câu thơ sử dụng cách nói ngược, pha chút giọng điệu mỉa mai, kiêu ngạo khiến người đọc hình dung dại – khôn, khôn – dại.
– Hai câu luận:
+ Nguyễn Bỉnh Khiêm nương theo qui luật của tự nhiên, mỗi mùa là một thức ăn, một hoạt động riêng rất đạm bạc và an nhàn.
+ Cuộc sống nơi thôn quê tuy đạm bạc nhưng không khắc khổ. Cuộc sống thanh cao hoà nhập với tự nhiên, mùa nào thức nấy. Chỉ hai câu thơ mà tái hiện trước mắt người đọc một bức tứ bình xuân, hạ, thu, đông.
– Hai câu kết:
+ Tìm đến rượu như một lẽ tự nhiên, như một cách hưởng thụ tinh thần thanh cao cách biệt cõi đời phàm tục.
+ Phú quý chỉ tựa như một giấc chiêm bao, một giấc mộng chẳng bao giờ thành bởi ở đó, tâm hồn người chỉ toàn mưu mô, hiểm độc.
+ Chọn cách sống nhàn để giữ cho nhân phẩm không bị vướng bụi trần gian, chọn cách sống khinh thường phú quý, phồn vinh, danh lợi.
=> thế ứng xử văn hóa mang tinh thần triết lí về nhàn dật và tự tại.
3. Kết bài
Bài thơ “ Nhàn” với tài năng sử dụng từ ngữ đa nghĩa, hình ảnh giàu sức gợi, giọng điệu mỉa mai, kiêu ngạo,…đã góp phần thể hiện sâu sắc quan niệm sống nhàn của cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phép đối được sử dụng tài tình, điển tích điển cố “ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” cho thấy sống nhàn để giữ cốt cách được thanh cao là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ phi thường nhận ra công danh, quyền quý chỉ là một giấc chiêm bao.
Phân tích bài thơ Nhàn
Làm bài tham khảo
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ lớn với nhiều tập thơ nổi tiếng, trong đó nổi bật là bài thơ “ Nhàn” thuộc tập “ Bạch vân quốc ngữ thi”. Tác phẩm đã thể hiện sâu sắc quan niệm sống nhàn của nhà thơ.
Nhàn, trước hết là cuộc sống thảnh thơi, sống thật với mình, vui thú vui cầu nhàn câu vắng:
“ Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dâù ai vui thú nào.”
Qua câu thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên như thể lão nông tri điền vui thú vui cầu nhàn câu vắng trong trạng thái “ thơ thẩn”, thảnh thơi “ dầu ai vui thú nào”. Mặc cho ai lao vào cuộc đua danh lợi, quyền quý, mặc cho cuộc đời biến thiên dữ dội, tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn vẫn sáng trong, thanh sạch, không vướng bận danh lợi. Ông đã tìm về với cuộc sống thôn dã, tự mình thanh thản với chính mình, quên hết sự đời nhiều bon chen. Như vậy, nhàn là cuộc sống thảnh thơi không vướng vào vòng danh lợi. Hạnh phúc là sống thuận với tự nhiên, sống thật với lòng mình:
“ Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”
Ta dại nên ta tìm về với nơi vắng vẻ. Người khôn nên người tìm đến chốn lao xao. Chốn lao xao hay chính là chốn đô hội, chốn quan trường tấp nập ngựa xe, là nơi cuộc sống xa hoa, đủ đầy với bao kẻ hầu người hạ. Nơi ấy là chốn mê cung mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng vướng bận, từng chiêm nghiệm. Còn, nơi vắng vẻ hay chính là nơi thôn quê thanh nhàn vắng vẻ. Chọn chốn lao xao để sống một cuộc đời no đủ, giàu sang. Nhưng, nơi ấy cũng là chốn bủa vây của những thủ đoạn, bon chen, có hiểm độc, có oán thù. Nơi quê nhà là nơi tĩnh tại của thiên nhiên nhưng cũng là nơi tĩnh tại của tâm hồn. Câu thơ sử dụng cách nói ngược, pha chút giọng điệu mỉa mai, kiêu ngạo khiến người đọc hình dung dại – khôn, khôn – dại:
“ Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn”
Sống nhàn, ấy cũng là sống một đời sống tinh thần, một lối sinh hoạt đạm bạc mà thanh cao, hoà hợp với thiên nhiên đất trời, tự cấp tự túc:
Gửi chí hướng về nơi thôn dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm nương theo qui luật của tự nhiên, mỗi mùa là một thức ăn, một hoạt động riêng rất đạm bạc và an nhàn. Đạm bạc bởi đó là những món ăn quê như măng trúc, giá đỗ. Ăn nhàn bởi ông cũng tắm hồ sen, tắm ao như bao người dân quê khác. Cuộc sống nơi thôn quê tuy đạm bạc nhưng không khắc khổ. Cuộc sống thanh cao hoà nhập với tự nhiên, mùa nào thức nấy. Chỉ hai câu thơ mà tái hiện trước mắt người đọc một bức tứ bình xuân, hạ, thu, đông.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống một cuộc sống an nhàn ẩn dật. Ông tìm về sống giữa thiên nhiên, hoà mình vào trời, mây, non, nước, sống một cuộc đời nhàn. Bởi vậy mà ông tìm đến rượu như một lẽ tự nhiên, như một cách hưởng thụ tinh thần thanh cao cách biệt cõi đời phàm tục:
“ Rược đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
Trong con mắt của một người đã trải qua trường đời nhiều mưu mô, cạm bẫy, phú quý chỉ tựa như một giấc chiêm bao, một giấc mộng chẳng bao giờ thành. Phú quý là gì khi chốn lao xao là nơi quan trường chỉ toàn cạm bẫy? Phú quý là gì khi ở đó, tâm hồn người chỉ toàn mưu mô, hiểm độc? Thà tìm về với nơi vắng vẻ để khí tiết được thanh cao còn hơn đến chốn lao xao mà tâm hồn bị vướng bẩn. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn cách sống nhàn để giữ cho nhân phẩm không bị vướng bụi trần gian, chọn cách sống khinh thường phú quý, phồn vinh, danh lợi. Ông đã chứng kiến và chứng nghiệm lẽ đời , đã đi đến tận cùng mọi sự khôn dại – dại khôn để thấu hiểu: “ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Phải trải qua tất cả cảnh đời, trường đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đạt tới thế ứng xử văn hóa mang tinh thần triết lí về nhàn dật và tự tại.
Bài thơ “ Nhàn” với tài năng sử dụng từ ngữ đa nghĩa, hình ảnh giàu sức gợi, giọng điệu mỉa mai, kiêu ngạo,…đã góp phần thể hiện sâu sắc quan niệm sống nhàn của cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phép đối được sử dụng tài tình, điển tích điển cố “ nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” cho thấy sống nhàn để giữ cốt cách được thanh cao là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ phi thường nhận ra công danh, quyền quý chỉ là một giấc chiêm bao.
Bùi Thị Chung