Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner vừa cho biết, Đức có thể triển khai thêm một gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để chống lạm phát mà không ảnh hưởng đến chính sách “phanh nợ” (tức là hạn chế thâm hụt ngân sách). Gói biện pháp này được đánh giá như “đòn bẩy tài chính”, bao gồm cứu trợ dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, cũng như viện trợ kinh tế có trọng điểm cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng.
Trong các cuộc đàm phán liên minh vào năm ngoái với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) của ông Lindner thể hiện rõ ý định đưa Đức trở lại với chính sách kỷ luật tài khóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng trầm trọng của Đức, một số thành viên của đảng Xanh và SPD đã kêu gọi kéo dài việc đình chỉ kỷ luật tài khóa. Đầu năm nay, chính phủ đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 30 tỷ euro, để giúp người tiêu dùng ứng phó lạm phát, bao gồm các biện pháp như cắt giảm thuế nhiên liệu, phát hành vé giao thông công cộng giá rẻ…
Những nỗ lực nêu trên của Chính phủ do Thủ tướng Đức Olaf Scholz lãnh đạo nhằm bù đắp chi phí lương thực và năng lượng tăng cao mà không ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% GDP. Lạm phát ở Đức đã lên tới 7,5% vào tháng 7 vừa qua, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng khi đến mùa đông. Chính phủ Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp nhằm giảm gánh nặng cho người dân khi nhiều mặt hàng thiết yếu đang tăng giá mạnh.
Mới đây, Chính phủ Liên bang Đức có kế hoạch giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) khí đốt cho người tiêu dùng sau khi kế hoạch miễn thuế VAT đối với phụ phí khí đốt không được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận. Theo đó, Chính phủ Đức dự kiến sẽ giảm thuế VAT đối với khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian giới hạn từ mức 19% hiện nay xuống còn 7%. Kế hoạch này sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng đối với người tiêu dùng do phải trả thêm phụ phí khí đốt từ tháng 10 tới.
Quyết định giảm thuế VAT đối với khí đốt được đưa ra trong bối cảnh Đức sẽ phải thu phụ phí khí đốt từ tháng 10 tới với mục đích chia sẻ gánh nặng của người dân đối với các công ty nhập khẩu khí đốt trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và sự đứt gãy nguồn cung từ Nga. Khoảng 50% số hộ gia đình tại Đức sưởi ấm bằng khí đốt. Tính trung bình, mỗi hộ tiêu thụ khoảng 5.000kWh/năm sẽ phải trả phụ phí trước thuế vào khoảng 121 euro, trong khi một gia đình tiêu thụ khoảng 20.000kWh/năm phải trả phụ phí trước thuế khoảng 484 euro/năm.
Theo các chuyên gia, lạm phát cao cùng với chi phí khí đốt và điện tăng mạnh ở Đức sẽ tác động mạnh đối với lĩnh vực tiêu dùng cá nhân. Tình hình kinh tế Đức đang xấu đi và triển vọng rất mong manh khi dự báo nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ giảm sút trong quý III. Những công cụ được Chính phủ Đức đưa ra có thể được xem như “liều thuốc giảm đau” tạm thời nhằm xoa dịu nền kinh tế gặp khó khăn bởi lạm phát và giá nhiên liệu leo thang.
Các gói biện pháp hỗ trợ liên tiếp được tung ra nhằm đối phó thách thức lớn hiện nay, song với tác động từ đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt, nguồn cung tiếp tục gián đoạn và lạm phát được dự báo có thể lên tới 8,5%, nền kinh tế Đức vẫn có nguy cơ bị đẩy tới bờ vực suy thoái.